ATK những ngày Tháng Tám

01-09-2018 08:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những ngày mùa Thu lịch sử, chúng tôi may mắn được đến với vùng đất mà cả nước biết đến với tên gọi “Trung tâm Thủ đô kháng chiến” thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, Lán Nà Nưa... đã đi vào huyền thoại vẫn hiện diện giữa núi rừng đã tạo cảm xúc thiêng liêng và khơi dậy tình yêu Tổ quốc đối với mọi thế hệ người Việt. Trên vùng đất cách mạng, tuổi trẻ ngành y chúng tôi cũng tỏ lòng tri ân bằng cách làm của riêng mình...

Di tích lịch sử đặc biệt

Những ngày cuối tháng 8/2018, thế hệ trẻ ngành y chúng tôi may mắn được đặt chân đến một số địa danh thuộc căn cứ cách mạng Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương), nay đã trở thành Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nơi đây, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, Lán Nà Nưa (Nà Lừa)... vẫn được lưu giữ, bảo tồn cẩn thận, chu đáo. Đứng trước mỗi địa danh, chúng tôi như được xem lại những thước phim lịch sử giữa núi rừng, để từ đó thêm dâng trào niềm tự hào dân tộc, biết ơn hơn nữa thế hệ cha ông đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ tạo nên trang sử hào hùng, vẻ vang cho muôn đời sau noi theo, học tập.

Đình Tân Trào - nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 - 17/ 8/1945.

Đình Tân Trào - nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 - 17/ 8/1945.

Tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào hiện nay, đình Tân Trào được đồng bào các dân tộc xây dựng từ năm 1923 để làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân vẫn sừng sững đứng giữa núi rừng. Nhìn từ xa, đình Tân Trào như được bao bọc bởi những dải lụa màu xanh thẳm của non -  nước - mây - trời. Không lâu sau, đình Tân Trào với kiến trúc nhà sàn, gồm ba gian 2 chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván trở thành chứng nhân lịch sử. Bốn bề là núi rừng bao bọc, có vị trí chiến lược về mặt quân sự, đình Tân Trào được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16-17/8/1945 với những quyết sách quan trọng như tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới mái đình Tân Trào, sáng 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt quốc dân.

Cách đình Tân Trào chừng nửa cây số là cây đa Tân Trào đã đi vào những vần thơ nức tiếng trong bài “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu: “...Mình về mình lại nhớ ta/Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”. Trải qua tác động của thiên nhiên, cây đa Tân Trào già cỗi và từng có thời điểm “khó ở”. Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các nhà khoa học ở nước ta, sau nhiều năm chăm sóc và phục hồi, cây đa Tân Trào đã dần sinh trưởng trở lại để tiếp tục là chứng nhân lịch sử, là biểu tượng cách mạng của Thủ đô khu giải phóng. Bởi lẽ, dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay sau đó, quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.

Để lại ấn tượng với chúng tôi còn có cụm di tích Nà Nưa cách làng Tân Lập khoảng 1km. Men theo 79 bậc đá tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác, trước mắt chúng tôi hiện lên một căn lán nhỏ có tên gọi Nà Nưa nằm ở sườn núi Nà Lừa, dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây rậm rạp, hoang vu. Chúng tôi rất xúc động bởi lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Bên cạnh lán Nà Nưa còn có nhiều lán “vệ tinh” với công năng, nhiệm vụ khác nhau, như lán Cảnh Vệ là nơi ở của các đồng chí cảnh vệ để bảo vệ an toàn cho Bác; lán Điện Đài - nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh; lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (cách lán Nà Nừa 20m) phục vụ Hội nghị Toàn quốc của Đảng từ ngày 13 - 15/8/1945.

Với thế hệ trẻ chúng tôi, khi đứng trước những lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào... như được hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc. Và như bao địa điểm tương tự khác trên rải đất hình chữ S như Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, những địa danh tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào mãi là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng đối với các thế hệ người dân Việt Nam.

Tuổi trẻ tri ân trên mảnh đất cách mạng

Rời Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, đoàn viên thanh niên Bộ Y tế chúng tôi di chuyển tới xã Minh Thanh giáp với xã Tân Trào để thực hiện chương trình thăm khám, tư vấn sức khỏe và phát quà miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, người cao tuổi, gia đình hộ nghèo... Điều đặc biệt, xã Minh Thanh chúng tôi đến gần đây cũng là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử tiêu biểu tại huyện Sơn Dương nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Du khách tham quan Lán Nà Nưa thuộc Khu di tích lịch sử Tân Trào.

Du khách tham quan Lán Nà Nưa thuộc Khu di tích lịch sử Tân Trào.

73 năm trước, ngày 10/3, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy phân khu Nguyễn Huệ, đồng bào các dân tộc xã Thanh La (Minh Thanh ngày nay) nhất tề nổi dậy tiến hành cuộc khởi nghĩa Thanh La giành thắng lợi và thành lập Ủy ban lâm thời Châu Tự Do vào ngày 16/3/1945 - chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước. Ngoài ra, từ đầu năm 1947, xã Minh Thanh là một trong những xã được các cơ quan bộ, ban ngành đến ở, làm việc như: Ban Thường trực Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Công chính, Bộ Canh nông, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Nha Công an Trung ương, Nha Thông tin... Theo thống kê, xã Minh Thanh hiện nay có 36 di tích lịch sử cách mạng quan trọng và mỗi địa điểm đều là nơi ghi dấu những năm tháng đấu tranh quật cường của dân tộc và là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Trong kháng chiến, người dân xã Minh Thanh luôn che chở, đùm bọc cán bộ và cơ quan của cách mạng, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại xã Minh Thanh giàu truyền thống cách mạng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế với các bác sĩ trẻ đến từ các bệnh viện (BV) tuyến trung ương như BV Bạch Mai, BV Tai Mũi Họng TW, BV E, BV Giao thông - Vận tải... đã khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho khoảng 300 người dân. Những đoàn viên thanh niên ngành y đến từ nhiều đơn vị và có chuyên môn khác nhau, nhưng chúng tôi luôn tâm niệm sẽ đem tuổi thanh xuân đến mọi miền Tổ quốc để giúp người dân tại vùng đất cách mạng Minh Thanh nói riêng, các địa phương khác nói chung có đời sống tốt hơn. “Hoạt động tại xã Minh Thanh có ý nghĩa đặc biệt, bởi vừa là sự tri ân của đoàn viên, thanh niên Bộ Y tế trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ với các thế hệ cha anh. Đó còn là hành động giúp thế hệ trẻ ngành y nói riêng, cả nước nói chung tiếp tục vun đắp truyền thống tương thân tương ái, luôn sẵn sàng sẻ chia với mọi người để cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn” - ông Nguyễn Anh Quang, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế chia sẻ.


Ghi chép của Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn