Hà Nội

Aspirin và các thuốc NSAID: Vì sao khuyến cáo bệnh nhân hen không được dùng?

03-04-2017 13:34 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh nhân hen phế quản cần tránh sử dụng một số thuốc để tránh làm khởi phát các cơn hen hoặc làm các cơn hen nặng hơn.

Bệnh nhân hen phế quản cần tránh sử dụng một số thuốc để tránh làm khởi phát các cơn hen hoặc làm các cơn hen nặng hơn. Thuốc aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAID) là các thuốc cần tránh sử dụng ở bệnh nhân hen, vì sao?

Thời tiết hiện nay ở miền Bắc đang có độ ẩm cao, hay còn gọi là trời nồm. Khi độ ẩm lên cao tới mức bão hòa sẽ là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh hô hấp, trong đó có bệnh hen. Trong tiết ẩm ướt, bệnh hen phế quản sẽ rất đáng ngại, cơn hen ở mức độ nặng hơn. Các cơn khó thở xuất hiện thường xuyên hơn, nếu kèm theo nhiễm khuẩn thì mức độ cơn hen sẽ càng trầm trọng. Bệnh hen thường gặp ở người cao tuổi. Đồng thời, người cao tuổi cũng dễ mắc nhiều bệnh cùng lúc nên phải dùng rất nhiều loại thuốc khác nhau. Việc dùng một số thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh hen cho những người có nguy cơ cao hoặc làm khởi phát cơn hen ở người bệnh hen, đồng thời khiến cơn hen sẽ trở nên nặng hơn. Aspirin và các thuốc NSAID (như piroxicam, ketoprofen, ibuprofen, indomethacin...) là thuốc có khuyến cáo bệnh nhân hen không nên dùng.

Tác động của aspirin và các thuốc NSAID lên bệnh hen thế nào?

Aspirin và các thuốc NSAID bao gồm nhiều chất có thành phần hóa học khác nhau nhưng cách thức tác dụng gần tương tự nhau là ức chế các chất trung gian hóa học gây viêm, nhất là prostaglandin. Vì vậy, thuốc có tác dụng làm giảm đau trong quá trình viêm. Thuốc thường được sử dụng trong điều trị đau đầu, các bệnh về khớp (gút, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp mạn tính, đau thần kinh tọa...).

Vì sao khuyến cáo bệnh nhân hen không được dùng?Aspirin và các thuốc NSAID có thể gây co thắt phế quản và làm khởi phát cơn hen.

Tác dụng ngoại ý của các thuốc này là có thể gây co thắt phế quản và làm khởi phát các cơn hen nặng. Đặc biệt là ở những người bệnh hen có kết hợp với viêm xoang và polyp cuốn mũi, các cơn hen nặng sẽ rõ rệt hơn. Đồng thời, các thuốc này có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hen cho một số trường hợp không có bệnh hen trước đó có thể xuất hiện các triệu chứng của hen sau khi dùng thuốc. Có trường hợp người bệnh hen đã điều trị ổn định, do không biết nên đã dùng aspirin chữa đau đầu, bất ngờ lên cơn hen rất nặng phải cấp cứu. Nguy cơ phản ứng của các thuốc này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng dùng và mức độ nhạy cảm của từng cá nhân.

Aspirin có thể gây ra phản ứng lên cơn hen không theo cơ chế miễn dịch, vì thế còn gọi là dị ứng giả hay đặc ứng. Cơ chế đặc ứng gây hen của aspirin liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có liên quan tới mất cân bằng chuyển hóa acid arachidonic, tăng giải phóng các chất trung gian từ dưỡng bào (mastocyte) phế quản, các chất trung gian tiền viêm, prostaglandin và leucotrien... Các phản ứng của người có bệnh hen với aspirin và các thuốc NSAID có biểu hiện tương đối giống nhau. Các cơn hen cấp thường xuất hiện khoảng một giờ sau uống thuốc, sau đó xuất hiện chảy nước mũi, đỏ mắt và nổi ban đỏ ở đầu và cổ. Những phản ứng này có thể rất nguy hiểm. Một liều duy nhất của các thuốc này có thể gây co thắt phế quản nặng, sốc, mất ý thức và ngừng thở. Các phản ứng này ít xảy ra ở người trẻ tuổi mà thường xuất hiện sau tuổi 30 - 40, rồi tồn tại đến hết đời.

Những bệnh nhân có nhạy cảm với aspirin nên cố gắng tránh dùng aspirin cũng như những sản phẩm có aspirin và những sản phẩm có liên quan đến aspirin như thuốc NSAID (ibuprofen, piroxicam, ketoprofen...). Hen nhạy cảm với aspirin hiếm thấy ở trẻ em nhưng khi trẻ bị hen nhạy cảm với aspirin cũng không bao giờ được dùng aspirin. Nếu người có bệnh hen buộc phải sử dụng aspirin hoặc các thuốc NSAID thì nên chọn sử dụng các thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc men cyclooxygenase 2 (COX-2) như rofecoxib, nimesulid. Việc điều trị giảm mẫn cảm với các thuốc này có thể được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa nếu cần thiết. Nếu người bệnh hen không còn lựa chọn nào khác mà buộc phải dùng các thuốc này thì nên dùng thử và theo dõi phản ứng. Việc dùng thử aspirin chỉ nên thực hiện ở bệnh viện và khi bệnh hen đã thuyên giảm. Bệnh nhân hen đã biết là không nhạy cảm với aspirin (đã dùng trước đây nhưng không có vấn đề gì) thì có thể sử dụng aspirin và các sản phẩm có liên quan đến aspirin.

Hen phế quản do aspirin thường xảy ra ở những người có tiền sử dị ứng (viêm mũi dị ứng, người từng có những cơn hen đã điều trị ổn định...). Bệnh hen xuất hiện đợt cấp tính khi sử dụng aspirin, các triệu chứng thường xuất hiện 2 - 3 giờ sau dùng thuốc với biểu hiện nặng, kéo dài, thậm chí tử vong. Vì vậy, các trường hợp viêm mũi xoang dị ứng là đối tượng nguy cơ cao bị hen do thuốc aspirin cũng nên tránh dùng aspirin.

Lời khuyên của thầy thuốc

Người bệnh hen nên dùng thuốc kiểm soát cơn hen theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Ngoài ra, cần tránh các yếu tố dị nguyên dễ gây kích thích cơn hen như: phấn hoa, khói bụi, khói thuốc lá... Việc bệnh nhân hen phải dùng thuốc để điều trị các bệnh khác cũng cần thận trọng. Nguyên tắc sử dụng thuốc aspirin và các thuốc NSAID: Bắt đầu bằng loại thuốc có ít tác dụng phụ nhất, dùng liều tối thiểu có hiệu quả, không vượt liều tối đa; thận trọng với bệnh nhân có tiền sử dạ dày, dị ứng, suy gan, suy thận, người già, phụ nữ có thai. Phải theo dõi các tai biến, tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc và chú ý các tương tác của thuốc NSAID với các thuốc khác. Không kết hợp các thuốc NSAID với nhau vì không làm tăng hiệu quả mà chỉ tăng tác dụng phụ.


DS. Nguyễn Thanh Lâm
Ý kiến của bạn