Aspirin - Kẻ “báo hại “ bệnh nhân hen

04-02-2017 09:04 | Dược
google news

SKĐS - Aspirin là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường, rất phổ cập. Tuy nhiên, đối với những người có tiền sử viêm mũi dị ứng, bệnh hen phế quản, thuốc có thể làm cho cơn hen trở nên trầm trọng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Aspirin là loại thuốc tốt hạ sốt, giảm đau, chống viêm, chống kết tập tiểu cầu, ít độc, đã có tín nhiệm và tồn tại hơn 100 năm, là thứ thuốc được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới. Aspirin ngày càng được nhiều người dùng không những với mục đích chữa bệnh mà còn vì tác dụng phòng bệnh của thuốc được quảng bá rộng rãi trong những năm gần đây.

Mặt trái của aspirin cũng có nhiều vấn đề. Ở phạm vi bài viết này, xin chỉ nói về tác dụng phụ của aspirin với người bệnh hen phế quản. Thực tế lâm sàng, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp người bệnh hen đã điều trị ổn định, do không biết nên đã dùng aspirin chữa đau đầu, bất ngờ lên cơn hen rất nặng phải cấp cứu.

Aspirin có thể gây ra phản ứng lên cơn hen không theo cơ chế miễn dịch, vì thế còn gọi là dị ứng giả hay đặc ứng. Cơ chế đặc ứng gây hen của aspirin liên quan đến nhiều yếu tố và chưa được hiểu biết tường tận, chỉ biết nó liên quan tới mất cân bằng chuyển hóa acid arachidonic, tăng giải phóng các chất trung gian từ dưỡng bào (mastocyte) phế quản, các chất trung gian tiền viêm, prostaglandin và leucotrien... Hen phế quản do aspirin thường xảy ra ở những người có tiền sử dị ứng (viêm mũi dị ứng, người từng có những cơn hen đã điều trị ổn định...), xuất hiện đợt cấp tính khi sử dụng aspirin, các triệu chứng thường xuất hiện 2 - 3 giờ sau dùng thuốc với biểu hiện nặng, kéo dài, thậm chí tử vong. Vì vậy, không chỉ người bệnh, mà thầy thuốc, nhất là ở các vùng sâu vùng xa cần cập nhật những thông tin này để dùng thuốc an toàn.


BS. Vũ Hướng Văn
Ý kiến của bạn