Hà Nội

ASIAD 2023: IOC nhận định về sự dịch chuyển hướng tới châu Á

24-09-2023 06:00 | Quốc tế
google news

Chủ tịch IOC Thomas Bach nêu rõ nhiều môn thể thao mới xuất hiện tại ASIAD 2023, đồng thời đề cao tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với phong trào Olympic.

ASIAD 2023: IOC nhận định về sự dịch chuyển hướng tới châu Á - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach dự báo về một “sự dịch chuyển trên thế giới trong lĩnh vực thể thao hướng tới châu Á.”

Phát biểu ngày 23/9 trước thềm lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2023, Chủ tịch Bach khẳng định đây là kỳ ASIAD lớn nhất từ trước đến nay và sẽ "đặt ra các tiêu chuẩn mới ở nhiều khía cạnh khác nhau."

Ông nêu rõ nhiều môn thể thao mới xuất hiện, đồng thời đề cao tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với phong trào Olympic.

Chủ tịch IOC nhấn mạnh sự hợp tác tốt đẹp giữa IOC với Ủy ban Olympic Trung Quốc , khẳng định tại nhiều liên đoàn quốc tế, Trung Quốc đang đóng một vai trò ngày càng lớn. Ông đồng thời dự báo về một sự dịch chuyển trên thế giới hướng tới châu Á trong lĩnh vực thể thao.

Người đứng đầu IOC đã đến thăm các vận động viên ở Hàng Châu sau khi gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

ASIAD 2023 là kỳ Á vận hội có số lượng vận động viên tham dự đông nhất trong lịch sử, với gần 13.000 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài 40 môn thi đấu với 61 phân môn, 461 nội dung thi đấu tổ chức tại thành phố Hàng Châu và 5 thành phố vệ tinh: Ninh Ba, Ôn Châu, Kim Hoa, Thiệu Hưng và Hồ Châu - cùng ở tỉnh Chiết Giang, một trong những khu vực thịnh vượng nhất Trung Quốc.

Kỷ lục trước đó được thiết lập tại ASIAD lần thứ 18 diễn ra tại Indonesia vào năm 2018, với 11.420 vận động viên góp mặt.

Đây cũng sẽ là kỳ đại hội đầu tiên ra mắt một số môn thể thao phổ biến trong giới trẻ như Breakdance hay Thể thao điện tử ( E-sports ).

Thậm chí, một số môn thể thao mang tính đặc thù của một số quốc gia như Đua thuyền rồng, Kurash hay Cầu mây, dù không được công nhận thuộc nhóm môn Olympic nhưng vẫn được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của ASIAD 2023, với mong muốn tạo nên nét đặc sắc riêng cho kỳ đại hội này.

Trung Quốc hiện là quốc gia giàu thành tích trong lịch sử ASIAD, khi luôn giữ vị trí đầu bảng tổng sắp huy chương trong 10 kỳ đại hội gần nhất, với tổng số 1.473 huy chương Vàng. Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 2 với 1.032 huy chương Vàng, tiếp đó là Hàn Quốc - 745 huy chương Vàng.


(TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến của bạn
Tags: