ASIAD 2014: Tiết kiệm, hiệu quả lạ kỳ kiểu... “ta”

16-08-2014 08:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lần đầu tiên kể từ ASIAD 1990, tại giải đấu trên đất Hàn Quốc vào tháng 9 tới, thể thao Việt Nam sẽ vắng bóng chuyền, bóng bàn, tennis.

Lần đầu tiên kể từ ASIAD 1990, tại giải đấu trên đất Hàn Quốc vào tháng 9 tới, thể thao Việt Nam sẽ vắng 3 trong số 4 môn đại chúng hàng đầu gồm bóng chuyền, bóng bàn, tennis. Lý do được đưa ra là nhằm tiết kiệm và hiệu quả tối đa khi mà trình độ, khả năng tranh chấp của ba môn này đều thấp. Thoạt tiên, có vẻ như lần này, ngành thể thao đã vượt qua nếp dàn trải ôm đồm, song thực tế lại rơi vào một sự cực đoan và đánh đồng đáng tiếc.

3/4 môn đại chúng bị loại

Trong 3 môn bị loại, trường hợp của hai đội bóng chuyền, nhất là đội nữ đang khiến giới chuyên môn cùng người hâm mộ bức xúc. Đơn cử bóng chuyền nữ, người ta không thấy bất cứ nguyên nhân gì đủ thuyết phục để phải ở nhà, lại là kỳ Á vận hội thứ hai liên tiếp.

Bóng chuyền nữ không có cơ hội góp mặt tại ASIAD

Bóng chuyền nữ không có cơ hội góp mặt tại ASIAD

Về mặt vị thế, đây vẫn được mặc nhiên coi là ĐTQG, chỉ xếp sau bóng đá nam, góp phần tạo nên bộ mặt cùng sức hút đặc biệt cho thể thao Việt Nam ở bất cứ đại hội nào. Điểm nhấn này dường như đã không được những người có trách nhiệm nhìn nhận thấu đáo. Rõ ràng không thể và không nên xem xét việc cử bóng chuyền nữ tham dự một kỳ SEA Games hay Á vận hội thuần túy từ vấn đề kinh phí, thành tích.

Về kinh phí, bóng chuyền nữ không nằm trong nhóm phải cân nhắc, kể cả từ nguồn của Nhà nước hay giao cho Liên đoàn đứng ra lo. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam dư sức để đảm bảo cho cả đội nam chứ không chỉ đội nữ.

Về thành tích, thật bất ngờ vì các nhà quản lý có vẻ như lo lắng quá nhiều và quá xa. Thứ nhất, với một đội hình đang trẻ hóa mạnh mẽ và đúng hướng mà mọi người đều thấy rõ, chẳng ai tạo sức ép thứ hạng, kết quả quá tầm với đội. Và quyết định hơn, đội hình ấy rất cần được thử thách và cọ xát tại một đấu trường lớn 4 năm mới có một lần như ASIAD. Có thể tin chắc, một đội hình với những trụ cột như Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh bên cạnh các tài năng trẻ đang lên hoàn toàn có thể có một màn trình diễn tốt. Cần phải lưu ý rằng tại ASIAD, một số đội yếu hơn Việt Nam vẫn đăng ký dự tranh như thường.

Suy xét mọi mặt, rõ ràng bóng chuyền nữ đã phải nhận một quyết định oan uổng và nghiệt ngã. Tương tự như như thế với bóng chuyền nam, phải gánh chịu hậu quả của thảm bại ở kỳ Á vận hội 2010 với 7 trận toàn thua mà không có cơ hội sửa sai.

Nếu như nhà vô địch Á vận hội trẻ Lý Hoàng Nam không đang thụ án kỷ luật, rất có thể tennis Việt Nam vẫn sẽ tham dự ASIAD. Mất Nam, đúng là tennis Việt Nam như hết hy vọng có dấu ấn tốt. Nhưng những người yêu môn này vẫn có thể nêu câu hỏi, tại sao một môn thậm chí còn mới và khó hơn là golf vẫn được góp mặt bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, còn tennis lại không? Vai trò của Liên đoàn Tennis Việt Nam ở đâu?

Xin nhắc lại, sự vắng mặt của bóng chuyền, tennis hay kể cả bóng bàn chẳng những thiệt thòi cho phong trào, sức vươn của từng môn mà còn ảnh hưởng đến cả thể thao Việt Nam với tư cách 3/4 môn đại chúng hàng đầu.

Việc ngành thể thao bỏ bóng bàn có thể hợp lý, tennis cũng có thể chấp nhận được, song đến cả hai ĐTQG bóng chuyền lại trở thành một sự cực đoan và đánh đồng đáng tiếc. Dù có viện dẫn kiểu gì, chí ít trong đó, thể thao Việt Nam không thể thiếu bóng chuyền nữ.

Đâu là lý do thật?

Thực ra, lý do loại 3 môn bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông để đảm bảo tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả tối đa cũng có phần đúng. Chỉ có điều, nó không phải cách và quan trọng hơn đã che khuất một nguyên nhân gốc rễ: mục tiêu và sự chuẩn bị.

Cứ cho rằng cả 3 môn này có trình độ tụt hậu so với mặt bằng chung châu lục, khó có thể đạt kết quả cao nhưng thử hỏi, ngành thể thao, các liên đoàn và bộ môn trước đó đâu có mục tiêu hay cách thức chuẩn bị rõ ràng gì cho ASIAD.

Với các môn này, ASIAD cũng chẳng khác gì SEA Games, theo kiểu cứ đến hẹn lại lên, gắn với cách làm thời vụ trước mắt. Nhìn lại cả quá trình, đơn cử ngay năm 2014, cả bóng chuyền, bóng bàn hay tennis đều không có điểm khác biệt nào để có thể coi là nhắm đến ASIAD.

Nguy cơ thua to ở ASIAD

Nhóm các môn bóng vốn đã yếu ngay cả tại khu vực chứ chưa nói tầm mức châu lục, song ASIAD 2014 có nguy cơ trở thành một cuộc đấu ác mộng của “đội hình” mà ngành thể thao vẫn loay hoay chưa tìm thấy lối ra, dù tốn nhiều công của.

Cũng rất đen đủi cho nhóm các môn bóng bởi môn gần như duy nhất mà Việt Nam đạt tới sự ổn định ở đẳng cấp hàng đầu châu lục là biliards&snooker lần này lại không có trong chương trình thi đấu. Môn mới golf dự tranh nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa dĩ nhiên chỉ để thử sức, cọ xát.

Trong khi đó, số môn bóng ít ỏi còn lại thuộc diện có thể tranh chấp huy chương ở các mức độ khác nhau cũng được dự báo rất khó khăn. Cầu lông rõ ràng chẳng thể trông chờ vào một Tiến Minh đã ở tuổi 32, đang sa sút phong độ tiếp tục một lần làm nên kỳ tích đoạt huy chương giống như ở giải VĐTG 2013. Cầu mây là môn bóng duy nhất chắc chắn sẽ giành một vài huy chương ở các nội dung của nữ, song mục tiêu giành HCV của họ ngày càng xa vời. Lứa tuyển thủ hiện tại thua quá nhiều so với các đàn chị từng hai lần đăng quang ở ASIAD cách đây 8 năm. Việt Nam chỉ xác định nỗ lực phấn đấu hết mình và gặp may mắn. 

Vì đâu bóng bàn nên nỗi?

Những người làm bóng bàn, đặc biệt các tuyển thủ quốc gia đã mất biết bao tâm sức chuẩn bị từ đầu năm, có thể buồn và tiếc khi môn này bị gạch tên khỏi danh sách tham dự Á vận hội vào tháng 9 tới. Thế nhưng, xét trên tổng thể, đoàn thể thao Việt Nam và nhất là nhìn vào thực tế bết bát của bóng bàn, có thể thấy quyết định này không chỉ hợp lý mà còn rất xác đáng. Bởi bóng bàn đã không đáp ứng được cả hai tiêu chí cơ bản, đặc biệt trong điều kiện hiện tại của thể thao Việt Nam: thành tích chuyên môn và khả năng tự chủ, cụ thể về mặt kinh phí.

Với ĐTVN hiện tại, để thắng một trận tại ASIAD cũng cực khó, chứ chưa nói đến chuyện lọt vào các vòng sau và một tấm huy chương hoàn toàn nằm ngoài tầm của bóng bàn Việt Nam. Ngay cả mục tiêu cọ xát, hay nâng cao trình độ thuần túy cho các tuyển thủ cũng không thực tế. Trong khi Liên đoàn bóng bàn Việt Nam không tự lo được về kinh phí, một ĐTQG như thế phải ở nhà là chuyện đương nhiên.

Nhìn nhận thẳng thắn, bóng bàn có hay không dự ASIAD ở thời điểm này cũng không ảnh hưởng gì đến thành tích hay hình ảnh, sức hút của đoàn thể thao Việt Nam. Song đây chắc chắc lại là một bước thụt lùi, một thất bại đối với những người có trách nhiệm của bóng bàn Việt Nam vì đây mà một môn từng không thể thiếu tại các kỳ ASIAD kể từ 1990, dù có thể chưa giành được huy chương, một môn được đưa vào 10 môn trọng điểm nhóm 1 lại rơi vào thảm cảnh như thế này?

Xuyến Chi


Ý kiến của bạn