Asen - Ðộc tố giết người vô hình

19-10-2016 10:06 | Dược
google news

SKĐS - Asen còn gọi là thạch tín, là một á kim gây ngộ độc khét tiếng và có nhiều màu sắc khác nhau như màu vàng (phân tử phi kim)...

Asen còn gọi là thạch tín, là một á kim gây ngộ độc khét tiếng và có nhiều màu sắc khác nhau như màu vàng (phân tử phi kim), một vài dạng màu đen và xám (á kim) chỉ là số ít mà chúng ta có thể nhìn thấy. Asen thường tồn tại dưới dạng các hợp chất asenua và asenat.

Cách nhận biết nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm asen

Không thể nhận biết được asen trong nước qua cảm quan. Kể cả nước trong và có cảm giác sạch vẫn có thể chứa chất độc này. Việc đun sôi và lọc vi trùng cũng không loại được asen, mangan và một số kim loại nặng khác.

Dùng nước chưa qua xử lý dễ nhiễm độc asen.

Tác hại của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người chủ yếu do môi trường nước bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các hóa chất độc hại và ô nhiễm kim loại nặng. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước đối với sức khỏe cộng đồng chủ yếu thông qua hai con đường, do ăn uống phải nước bị ô nhiễm hay các loại rau quả, thủy hải sản được nuôi trồng trong nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm trong quá trình sinh hoạt và lao động do con người gây ra.

Hậu quả dùng nước bị nhiễm asen

Với một lượng nhỏ asen sẽ không gây chết người, nhưng sử dụng nguồn nước hay thực phẩm có chứa asen lâu dài sẽ tích tụ trong cơ thể, đặc biệt là trong não, các mô da, móng tay, tóc, răng, xương,... gây nhiễm độc cấp tính cao.

Theo các nhà khoa học, asen có thể gây ra 19 bệnh khác nhau, trong đó có 2 bệnh phổ biến nhất là ung thư da và phổi. Khi bị nhiễm độc asen, người bệnh sẽ có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm. Người bệnh có thể bị rụng tóc, giảm trí nhớ, da mặt xám, có các đốm sẫm màu trên da, lưỡi hay sừng hóa da, mạch máu bị tổn thương, rối loạn nhịp tim, đau mắt, viêm tai, viêm dạ dày và ruột, bệnh tiểu đường, rối loạn thần kinh, ung thư...

Đối với bà mẹ mang thai, asen có thể làm động thai, gây ra những bệnh phổi ác tính ảnh hưởng đến thai nhi hoặc tác động xấu đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi.

Làm gì để phòng tránh?

Hiện nay, trên thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị những căn bệnh do asen gây nên. Chỉ có một cách duy nhất cũng là cách nên làm nhất là phòng tránh bằng cách dùng nước không có asen hoặc asen nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Theo các nhà khoa học, chỉ có thể làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh bằng cách bảo quản thức ăn thật tốt, giảm protein, bổ sung các vitamin và dùng thuốc để đào thải asen ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh phải đến ngay bệnh viện và làm theo lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.

Với tình hình nhiễm độc asen hiện nay cũng như việc chưa tìm ra cách chữa trị bệnh do asen, các nhà khoa học khuyến cáo rằng: Để bảo vệ sức khỏe của bản thân mình cũng như của các thế hệ tương lai, tránh những tác động xấu của asen tới sức khỏe, mọi người không nên sử dụng trực tiếp nước giếng khoan mà chưa qua xử lý.

Nguồn nước ăn phải được lọc sạch. Những vùng có giếng nước khoan, để lọc sạch nước có thể sử dụng những biện pháp thông thường của Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường UNICEF như: dùng bể lọc cát, sỏi, than hoạt tính kết hợp với giàn phun mưa hoặc một vài biện pháp ôxy hóa. Giải pháp này giúp giảm rõ rệt mức ô nhiễm sắt đi kèm asen.

Thực trạng nguồn nước nhiễm asen hiện nay

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10.000 người thì có 6 người bị ung thư do sử dụng nước ăn có nồng độ asen lớn hơn 0,01mg/lít nước.

Theo Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, trong số 11.500 mẫu nước được xét nghiệm ở Việt Nam thì có 40% trong đó bị nhiễm asen, có những nơi có nồng độ cao gấp hàng chục lần giới hạn cho phép.

Asen khi tồn tại dưới dạng hợp hay ở dạng thể rắn có thể nhìn thấy bằng mắt thường là chất bột màu trắng, nhưng khi hòa tan vào nước nó không màu, không mùi, không vị nên rất khó phát hiện. Chính vì vậy, dù nước dùng trong veo nhưng không hẳn đã an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, nó cũng tồn tại trong không khí, đất và thực phẩm.


TS. Vũ Trường
Ý kiến của bạn