ASEAN và ASEAN+3 ra Tuyên bố chung đẩy mạnh hợp tác ứng phó COVID-19

08-04-2020 13:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, vào ngày 7/4 diễn ra các cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN và Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 (gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Cả hai cuộc họp đã ra Tuyên bố chung đẩy mạnh hợp tác ứng phó dịch COVID-19.

Tại hai cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 3, các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, các Bộ trưởng Y tế ASEAN và ASEAN 3 bày tỏ tình đoàn kết, quyết tâm cao trong chống dịch COVID-19, tuân thủ nghiêm các  hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Lào, quốc gia hiện có số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong khu vực, đã huy động hơn 2000 y bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên y tế và lực lượng cảnh sát trong chống dịch. Indonesia đã đẩy mạnh nâng cao năng lực phòng thí nghiệm, tiến hành điều trị, cách ly xã hội. Myanmar hủy tất cả các lễ hội, sự kiện tập trung đông người. Tại Philippines, những  bác sĩ, nhân viên y tế đứng đầu chiến tuyến chống dịch được coi là những người hùng. Bộ trưởng Y tế Singapore thì nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 là mối đe dọa chưa từng có khiến các nước ASEAN cần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN họp trực tuyến với nhau về hợp tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19

Thái Lan gần đây đã hủy mọi sự kiện thể thao, trong đó có môn boxing được ưa chuộng. Thái Lan cũng đã tiến hành các biện pháp phong tỏa để làm chậm lại diễn tiến dịch. Bộ trưởng Y tế Thái Lan cũng nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc-xin phòng bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam GS.TS. Nguyễn Thanh Long nêu rõ với kinh nghiệm khống chế SARS năm 2003, ASEAN đã nhanh chóng và tích cực phối hợp hành động chung trong cộng đồng ASEAN. Lĩnh vực y tế của ASEAN đã có hành động phù hợp kích hoạt mạng lưới y tế khẩn cấp trong lòng ASEAN và với 3 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như hợp tác chặt chẽ với WHO. Việt Nam, một trong các quốc gia ASEAN đầu tiên ảnh hưởng bởi COVID-19, đã đạt thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam đã giảm được tác động tiêu cực của COVID-19 do nhập cảnh từ nước ngoài và làm chậm lại quá trình lây nhiễm trong cộng đồng. Những kết quả này là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân cũng như áp dụng 4 chiến lược: Ngăn ngừa – Phát hiện sớm – Cách ly và Kiểm soát cùng với sự tham gia của các địa phương. Với tinh thần đoàn kết của ASEAN và tinh thần gắn kết tương trợ lẫn nhau trong ASEAN, Việt Nam tin tưởng rằng chúng ta có thể cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN và Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 (ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc)

Tuyên bố chung cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN và Tuyên bố chung cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) đưa ra trong bối cảnh tình trạng nguy cấp của đại dịch COVID-19 kể từ ngày 11/3, dựa trên Tuyên bố Chủ tịch về Ứng phó chung ASEAN trước dịch bệnh COVID-19 do Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ASEAN đưa ra nhấn mạnh về tầm quan trọng của tình đoàn kết ASEAN và tinh thần gắn kết, tương trợ lẫn nhau cộng đồng chung ASEAN trong đối mặt với dịch bệnh COVID-19 và những thách thức tương tự cũng như tái khẳng định cam kết Sức khỏe cho mọi người người dân (Health for All) trong ASEAN, sẵn sàng ứng phó, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Tuyên bố chung nêu rõ, đẩy mạnh chia sẻ thông tin, ngăn ngừa, phát hiện sớm dịch bệnh, biện pháp ứng phó, cập nhật giám sát dịch tễ học, nghiên cứu lâm sàng về virus, hướng dẫn kỹ thuật thông qua các cơ chế hợp tác lĩnh vực sức khỏe hiện hành của ASEAN như các cuộc họp SOM ASEAN, ASEAN 3, Mạng lưới Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) ASEAN, Mang lưới đào tạo dịch tễ học ASEAN 3, và Trung tâm BioDiaspora Virtual ASEAN.

ASEAN sẽ củng cố hợp tác khu vực trong truyền thông về COVID-19, hợp tác với các cơ quan tương ứng trong ASEAN, ngăn chặn phát tán thông tin sai lệch và thông tin giả mạo. Sử dụng công nghệ số, trong đó có hội thảo qua video, các ứng dụng mạng xã hội cũng như trí tuệ nhân tạo dựa trên các diễn đàn chính thức để chia sẻ thông tin nhằm đảm bảo kịp thời ứng phó y tế công cộng. Phối hợp ứng phó y tế công cộng xuyên biên giới, như truy tìm người tiếp xúc với người mắc và điều tra dịch bệnh, thúc đẩy cơ chế hợp tác song phương và khu vực phù hợp.

Thúc đẩy cơ chế hợp tác theo cơ chế ASEAN và mở rộng đối tác về năng lực can thiệp để sẵn sàng ứng phó các trường hợp y tế khẩn cấp, chia sẻ bài học kinh nghiệm, huy động nguồn lực trong đó có trợ giúp kỹ thuật; và đối thoại chính sách về những phát minh tiến bộ mới nhất bao gồm thuốc và vắc xin, an ninh y tế. Đảm bảo tất cả những người bị nhiễm COVID-19, bao gồm cả những người di cư và các nhóm dễ bị tổn thương khác có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu.

Tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN 3, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm trong khống chế dịch. Bộ trưởng Y tế Trung Quốc chia sẻ Trung Quốc đã áp dụng đưa thuốc y học cổ truyền (YHCT) vào điều trị bệnh COVID-19. Hàn Quốc mong muốn xây dựng kênh Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc nhằm có thêm dự án hợp tác nâng cao năng lực, chuyên gia về chăm sóc sức khoẻ và khống chế dịch bệnh, chia sẻ công nghệ. Mở rộng xuất khẩu bộ chẩn đoán COVID-19. Hàn Quốc áp dụng các công nghệ mới chẳng hạn như app tự chẩn đoán, app tự giám sát. Nhật Bản sẽ củng cố hợp tác thông qua Khung ASEAN-Nhật Bản, tiếp tục hợp tác củng cố năng lực xét nghiệm và hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ các nước thông qua WHO; Nhật Bản đã đóng góp thêm cho quỹ “Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược với COVID-19” của WHO đồng thời hỗ trợ phát triển và cung ứng vắc-xin.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn