Tham dự hội nghị có Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Y tế các nước thành viên ASEAN, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, ông Shin Young-soo - Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, các quan chức cao cấp của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á. Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản và Bộ trưởng Bộ Y tế Phillipines (nước chủ tịch của ASEAN năm 2017) là đồng chủ tọa hội nghị.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN và Nhật Bản, đại diện các tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận những thách thức, bài học kinh nghiệm và nỗ lực của các quốc gia về 2 chủ đề: (i) thực hiện bao phủ y tế toàn dân bền vững; (ii) các giải pháp chăm sóc lồng ghép tại cộng đồng trong bối cảnh già hóa dân số. Đặc biệt, nước chủ nhà đã chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong thực hiện bao phủ CSSK toàn dân và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi nhiều nhất thế giới. Hội nghị cũng được nghe những diễn giả và nhà khoa học nổi tiếng (TS. Timothy Evans-Giám đốc cao cấp bộ phận y tế, dinh dưỡng và dân số, Ngân hàng thế giới, TS. John Beard, Giám đốc chương trình già hòa dân số và vòng đời của Tổ chức y tế thế giới, GS. Naoki Ikagemi, Trường đại học quốc tế St.Luke, Nhật Bản, Ts. Kenji Toba, Giám đốc Trung tâm quốc gia về già hóa dân số và lão khoa…) phát biểu về các vấn đề thế giới sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đã chia sẻ một số nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong bối cảnh gánh nặng bệnh không lây nhiễm và già hóa đang gia tăng, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như sự khác biệt về chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền, sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu CSSK người dân. Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trên thế giới cùng với sự hỗ trợ của WHO, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Luật BHYT năm 2014, trong đó có những điểm mới như triển khai BHYT xã hội bắt buộc và tham gia theo hộ gia đình. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng nhanh từ 9,6% (năm 1995) lên 46,8 (năm 2008) và 82% (năm 2016). Tỷ lệ chi y tế từ tiền túi hộ gia đình giảm từ 64,5% (năm 2005) xuống 39,5% (năm 2014). Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở để đảm bảo mọi người dân, nhất là người nghèo, người sống ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Về chủ đề tăng cường chăm sóc lồng ghép trong CSSK người cao tuổi tại cộng đồng, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hòa dân số nhanh nhất thế giới. Chi phí cho chăm sóc người cao tuổi ngày càng gia tăng là một thách thức lớn trong bối cảnh tài chính y tế còn hạn chế. Việt Nam đã ban hành Luật chăm sóc người cao tuổi năm 2009, tiếp theo là các Thông tư, văn bản hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chủ trương của Việt Nam là đẩy mạnh chăm sóc xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng, lồng ghép vào mạng lưới y tế cơ sở, tổ chức đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội tại cơ sở cho chăm sóc người cao tuổi.
Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN và Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố chung về Bao phủ Y tế toàn dân và Già hóa dân số. Trong tuyên bố, các nước cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các ưu tiên về phát triển y tế của các nước thành viên ASEAN sau năm 2015. Đặc biệt các nước đã thống nhất thông qua sáng kiến ASEAN - Nhật Bản về bao phủ CSSK toàn dân, trong đó có việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tăng cường nghiên cứu về Bao phủ CSSK toàn dân, tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, cụ thể là Nhật Bản cam kết hỗ trợ các chương trình đào tạo cho các nước ASEAN và cử các chuyên gia có kinh nghiệm của Nhật Bản sang các nước ASEAN làm việc.
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã có buổi làm việc song phương với ngài Yasuhisa Shiozaki, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Thay mặt Bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn trân trọng cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản cho phát triển y tế Việt Nam. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam cho mạng lưới y tế cơ sở, chính sách tài chính y tế, hệ thống CNTT và giám định BHYT… Nhân dịp này, Thứ trưởng chuyển thư của Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam mời ngài Bộ trưởng tham dự Hội nghị cấp cao APEC về y tế và kinh y tế vào tháng 8/2017 tại Tp Hồ Chí Minh. Tiếp theo Hội nghị cấp Bộ trưởng là hội nghị cấp kỹ thuật về bao phủ CSSK toàn dân diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản từ ngày 17-18/7/2017 do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, tỉnh Kanagawa và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức để thảo luận chương trình hành động cụ thể thực hiện sáng kiến ASEAN-Nhật Bản và giới thiệu mô hình CSSK lồng ghép tại cộng đồng tại tỉnh Kanagawa./.