PV: Qua 55 năm hình thành và phát triển, ASEAN đạt nhiều thành tựu quan trọng về chính trị an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Theo đánh giá của ông, trong 55 năm đó, thành tựu nào có ý nghĩa quan trọng nhất đối với Cộng đồng ASEAN và người dân trong khu vực?
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: 55 năm qua, ASEAN đã có những bước tiến vượt bậc. Từ một tổ chức ra đời trong nghi kỵ, đối đầu ở Đông Nam Á, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới trên 3 phương diện.
Thứ nhất, ASEAN đã xây dựng và duy trì được môi trường khu vực hòa bình, ổn định và an ninh trong nhiều thập kỷ. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN.
Thứ hai, ASEAN hiện nay là một cộng đồng với mức độ hợp tác, liên kết ngày càng sâu rộng trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội; trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới với GDP khoảng 3.300 tỷ USD (năm 2021) và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho khoảng 680 triệu dân.
Thứ ba, ASEAN là một tổ chức có uy tín và vị thế ngày càng cao, có quan hệ đối ngoại rộng mở, đóng vai trò trung tâm trong khu vực, được các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn, coi trọng, tăng cường hợp tác.
Đây là nền tảng để ASEAN tiếp tục xây dựng cộng đồng, hiện thực hóa Tầm nhìn 2025 và tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
PV: 2 năm qua, ASEAN đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn chưa từng gặp phải như: Dịch bệnh COVID-19 phức tạp, cạnh tranh nước lớn gay gắt, kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực. ASEAN đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào? Và năm 2022 cũng như những năm sắp tới, ASEAN tiếp tục đối mặt với những thách thức nào và đâu là “chìa khóa” để ASEAN vững tin vượt qua?
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Trong 2 năm qua, ASEAN đã thể hiện được bản lĩnh và khả năng tự cường, ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức đặt ra.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn các hoạt động của đời sống quốc tế. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong năm Chủ tịch 2020, ASEAN đã thể hiện sự chủ động thích ứng, kịp thời chuyển các cuộc họp và các hoạt động sang hình thức trực tuyến, qua đó duy trì được đà hợp tác liên kết khu vực và các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, cùng nhau ứng phó với đại dịch. ASEAN đã nhanh chóng thông qua và triển khai các sáng kiến như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, thiết lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp, đề xuất thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi…, qua đó kịp thời huy động nguồn lực của ASEAN cũng như sự hỗ trợ của các đối tác cho công tác phòng chống dịch.
ASEAN đã ứng xử khôn khéo, hiệu quả sự cạnh tranh nước lớn thông qua cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc hoạt động cũng như quy trình thủ tục của các cơ chế/diễn đàn do ASEAN khởi xướng và có sự tham gia của các nước lớn như ARF, EAS, ADMM+, đồng thời thể hiện quan điểm độc lập và trung lập, mong muốn các nước lớn cạnh tranh lành mạnh, có trách nhiệm, cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Điều này được thể hiện rõ trong Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á ngày 8/8/2020.
Cùng với những nỗ lực ứng phó với COVID-19, ASEAN đã sớm thúc đẩy các biện pháp phục hồi sau đại dịch, trong đó có việc xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và kế hoạch triển khai nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN; ký thỏa thuận về Khung hành lang đi lại ASEAN - đây là sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong ASEAN, trong lúc dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát. Các biện pháp này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần để các nước ASEAN vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa dần mở cửa trở lại, thúc đẩy hợp tác phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, ASEAN sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức: Nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế, nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực do tác động của xung đột tại Ukraine; cạnh tranh nước lớn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, chúng ta vững tin ASEAN sẽ vượt qua những khó khăn thách thức đó vì 3 lý do sau.
Thứ nhất, những thành tựu đạt được trong 55 năm qua chính là cơ sở, nền tảng để ASEAN tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao thực lực và sức chống chọi với các tác động từ bên ngoài.
Thứ hai, ASEAN đã có kinh nghiệm ứng xử với các khó khăn thách thức, mà gần đây nhất là đối phó với đại dịch COVID-19, xử lý cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy phục hồi sau đại dịch… với những thành công ấn tượng.
Thứ ba, ASEAN tiếp tục duy trì được đoàn kết, thống nhất bên trong và có được sự ủng hộ, hỗ trợ bên ngoài, từ các đối tác của ASEAN và cộng đồng quốc tế.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong 27 năm là thành viên “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” của ASEAN?
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, với tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có nhiều đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của Hiệp hội.
Thứ nhất, là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ 3, diện tích đứng thứ 4 ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh cả về quy mô, tiềm lực và tổ chức, giúp ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, chấm dứt sự nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Thứ hai, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể kèm theo, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI)… quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc và Canada.
Thứ ba, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm thành viên, đóng góp vào các thành tựu chung của Hiệp hội. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội; tiếp đó, đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 và 2020. Chúng ta tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị- an ninh, kinh tế và văn hóa- xã hội; là một trong số những nước đạt tỉ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết của ASEAN.
Những đóng góp đó của Việt Nam được các nước thành viên ASEAN cũng như bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao. Nhiều nước kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt ASEAN. Đây chính là cơ sở để chúng ta triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030, vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt ASEAN, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu đối với Việt Nam.