Ngày 12/11, Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khai mạc ở Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar với chủ đề tập trung vào khả năng ASEAN đối phó với các thách thức cấp bách như mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) ở Iraq và Syria, dịch bệnh Ebola ở Tây Phi và các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN.
Theo dự thảo tuyên bố chủ tịch của hội nghị, đối với hoạt động tuyển mộ của phiến quân ISIS và các phần tử cực đoan khác đến từ các nước như Indonesia và Philippines, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thể hiện cam kết chung trong việc “áp dụng toàn bộ biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn các tay súng từ những quốc gia thành viên ASEAN gia nhập các nhóm khủng bố. Trong khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng Ebola như là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng về khả năng sẵn sàng của tất cả các nước trong việc phát hiện, ngăn chặn và đối phó với các ca nghi nhiễm virut Ebola. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo sẽ bày tỏ quan ngại về căng thẳng gần đây trên biển Đông, đồng thời hối thúc các nước ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng phối hợp hướng tới việc sớm ký kết bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý nhằm giảm xung đột lãnh thổ và hàng hải trên biển Đông.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo còn thảo luận về những biện pháp tiến tới thành lập một Cộng đồng ASEAN hội nhập hơn vào năm tới cùng với tầm nhìn hậu 2015 của khối cũng như công tác tăng cường các thể chế ASEAN. Cộng đồng ASEAN dự kiến sẽ có khoảng 600 triệu dân với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2.000 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á với từng đối tác gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Liên hợp quốc và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN - Australia cũng được triển khai. Các nước đối tác khẳng định ủng hộ ASEAN hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và bước vào giai đoạn phát triển cao hơn sau năm 2015, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và tăng cường đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. ASEAN và các nước đối tác nói trên đã bàn và đề xuất nhiều biện pháp thiết thực trong việc thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác phát triển ở khu vực, tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho các trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý thiên tai, hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa và nhân dân; đồng thời nhấn mạnh tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, an ninh năng lượng và lương thực, an ninh nguồn nước, phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới...
Lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi và thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông, nhấn mạnh duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị. Trao đổi về vấn đề biển Ðông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Ðông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; đánh giá cao lập trường và sự ủng hộ tích cực của các đối tác đối với lập trường và nguyên tắc chung của ASEAN về vấn đề này. Trước tình hình biển Ðông tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, trước hết là Ðiều 5 về thực hiện kiềm chế và sớm đạt được COC có tính ràng buộc ở biển Ðông.
(Theo Asean, TTXVN)
BQT