Hơn nửa thế kỷ qua, ASEAN đã lớn mạnh không ngừng và trở thành một cộng đồng thống nhất với uy tín ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới, đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực cho các quốc gia thành viên.
Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á
Mặc dù gặp phải nhiều hạn chế do đại dịch COVID-19, nhưng các quốc gia thành viên đã có nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện đặc biệt này. Theo đề xuất của Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Indonesia, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ðông Nam Á.
Asean đồng tâm để vượt qua đại dịch.
ASEAN hoạt động dựa trên luật lệ, hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm. Các thành viên ASEAN cam kết thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và duy trì đà tiến triển trong xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2025.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tái khẳng định mạnh mẽ cam kết duy trì một khu vực Ðông - Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập, ổn định, đồng thời củng cố các giá trị hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các Bộ trưởng kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng hòa bình và an ninh, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; kêu gọi các nước tiếp tục tăng cường lòng tin chiến lược và tin cậy lẫn nhau thông qua đối thoại, hợp tác cùng có lợi và những biện pháp xây dựng lòng tin cụ thể.
Tại thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN nhấn mạnh, với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam dành ưu tiên cao đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, phối hợp hành động hiệu quả trong ASEAN cũng như tăng cường quan hệ với các Đối tác để nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó hữu hiệu của ASEAN trước các thách thức chưa từng có; đó là dịch bệnh COVID-19 và những chuyển động, cạnh tranh mạnh mẽ, sâu sắc của môi trường địa chiến lược toàn cầu và khu vực, trong đó phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bao gồm cả UNCLOS 1982.
Hỗ trợ người dân trong cộng đồng vượt qua đại dịch
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế thế giới sẽ sụt giảm 5% trong năm nay, đẩy 71 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Thách thức lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt là tác động của dịch COVID-19 đến sinh kế của người dân, mục tiêu mà Cộng đồng ASEAN hướng tới là hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch.
Năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, cũng là năm Việt Nam kỷ niệm 25 năm gia nhập tổ chức này. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, hơn nửa thế kỷ qua, ASEAN đã nhiều lần chứng tỏ sức mạnh của tinh thần đoàn kết và tự cường, luôn vượt qua mọi nghịch cảnh một cách mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Lần này cũng vậy, đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có đối với ASEAN, nhưng cũng khẳng định bản lĩnh của cộng đồng. ASEAN hiện đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt. Những biến động mới trong môi trường địa - chiến lược cũng như sự nổi lên của nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực, đòi hỏi ASEAN phải đoàn kết và chủ động thích ứng hơn nữa. “Tiếp tục kề vai sát cánh bên nhau, chúng ta có thể vượt qua bất cứ thử thách nào để đưa ASEAN tiến lên phía trước ”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo ASEAN đều thống nhất rằng, nếu có bất kỳ bài học nào được rút ra từ đại dịch này thì đó là trong một thế giới liên kết với nhau, không một quốc gia nào có thể một mình chống chọi với cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Bởi vậy, cùng nhau hợp tác chính là giải pháp trọng tâm trong ứng phó với COVID-19 của Cộng đồng ASEAN.