Armenia - Azerbaijan: Chiến sự bùng nổ

29-09-2020 20:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 27/9 (theo giờ địa phương), theo thống kê ban đầu, ít nhất đã có 26 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương khi Azerbaijan tấn công bằng không quân và pháo binh ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, còn Armenia thực hiện pháo kích vào khu dân cư của Azerbaijan tại khu vực Karabak.

Tổng động viên và thiết quân luật

Ngay sau cuộc đụng độ, cả Armenia và Azerbaijan đều không có dấu hiệu dịu đi. Thậm chí, căng thẳng còn leo thang khi cả hai bên đều ban bố tình trạng thiết quân luật ngay sau đó. Chính phủ Armenia còn tuyên bố tổng động viên để huy động lực lượng. “Đồng bào thân mến, bây giờ, theo quyết định của chính phủ, thiết quân luật và tổng động viên được tuyên bố ở Armenia. Tôi kêu gọi tất cả nhân viên đến các văn phòng tuyển dụng”,  Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan viết trên Twitter cá nhân.

Ông Pashinyan khẳng định: “Chúng tôi luôn kề vai sát cánh cùng quân đội để bảo vệ đất nước trước nguy cơ xâm lược từ Azerbaijan”. Trong ngày 28/9, Bộ Quốc phòng Armenia ra tuyên bố trả đũa: “Phản ứng của chúng tôi sẽ tương xứng và giới lãnh đạo quân sự-chính trị Azerbaijan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình này”. Bộ Ngoại giao Armenia cũng lên tiếng lên án “hành động gây hấn của các lãnh đạo quân sự - chính trị Azerbaijan”, đồng thời cảnh báo phía Armenia sẽ đưa ra biện pháp quân sự và chính trị thích hợp để đáp trả.

Trong khi đó, quân đội Azerbaijan cho biết giành được quyền kiểm soát 6 ngôi làng ở Nagorno-Karabakh tính đến chiều 27/9, phá hủy 3 xe tăng, bắn rơi 2 trực thăng và 3 máy bay không người lái. Azerbaijan bác bỏ tuyên bố của Bộ Quốc phòng Armenia và nói rằng họ có lợi thế trước kẻ thù trên mọi mặt trận, đồng thời cáo buộc quân đội Armenia đã tiến hành các cuộc tấn công có chủ đích dọc theo khu vực tranh chấp.

Người dân Armenia đăng ký tham gia quân ngũ sau khi chính phủ ra lệnh tổng động viên hôm 28/9.

Người dân Armenia đăng ký tham gia quân ngũ sau khi chính phủ ra lệnh tổng động viên hôm 28/9.

Sự bất hoà muôn năm cũ

Azerbaijan và Armenia - hai quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã xung đột trong nhiều năm tại vùng núi Nagorno-Karabakh - một khu vực chủ yếu người Armenia nhưng thuộc sự quản lý của Azerbaijan sau khi Liên Xô tan rã.

Hai nước đã có cuộc chiến kéo dài 6 năm để giành quyền kiểm soát khu vực cho đến khi ngừng bắn vào năm 1994. Kể từ đó, Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập và thành lập Cộng hòa Artsakh, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Tuy đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 song Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công xung quanh Nagorno-Karabakh và dọc theo biên giới hai bên. Cả hai bên đều có sự hiện diện quân sự dày đặc dọc theo một khu phi quân sự ngăn cách khu vực này với phần còn lại của Azerbaijan. Nhiều vụ đụng độ biên giới gây thương vong lớn đã xảy ra trong những năm qua.

Thế giới lên tiếng

Thông tin về vụ đụng độ mới nhất giữa Azerbaijan và Armenia ngay lập tức vấp phải phản ứng chỉ trích gay gắt  từ Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh thân cận của Azerbaijan. Phát ngôn viên đảng cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik viết trên Twitter: “Chúng tôi kịch liệt lên án cuộc tấn công của Armenia vào Azerbaijan. Armenia từng có các hành động khiêu khích, phớt lờ luật pháp. Armenia đang đùa với lửa và gây nguy hiểm cho hòa bình khu vực”.

Bộ Ngoại giao Nga - một trung gian hòa giải xung đột giữa Armenia và Azerbaijan kêu gọi cả hai bên lập tức ngừng bắn, kết hợp tổ chức các cuộc đàm phán để ổn định tình hình tại khu vực Nagorno-Karabakh. “Điều quan trọng là phải nỗ lực hết sức để ngăn căng thẳng leo thang trở thành xung đột toàn diện. Quan trọng hơn, hai bên cần chấm dứt tình trạng thù địch”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc điện đàm ngày 28/9, theo thông báo từ Điện Kremlin.

Ngày 28/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu: “Chúng tôi đang xem xét tình hình leo thang xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan. Chúng tôi có rất nhiều mối quan hệ tốt tại khu vực này và sẽ nỗ lực chấm dứt tình trạng giao tranh giữa hai bên”.

Liên minh châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kêu gọi cả hai bên ngừng các hành động quân sự và quay trở lại đàm phán. Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Marija Pejcinovic-Buric cho hay: “Tôi kêu gọi Armenia và Azerbaijan thể hiện trách nhiệm, kiềm chế và dừng ngay các hành động thù địch”.


H.A
Ý kiến của bạn