Hà Nội

Apec- Việt Nam: Điểm hẹn của các nền kinh tế

07-11-2017 14:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Năm APEC Việt Nam 2017 có chủ đề “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung”. Với việc lần thứ 2 đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam một lần nữa thể hiện tư cách một thành viên APEC năng động, trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong việc kết nối và thúc đẩy các tiềm năng hợp tác giữa các thành viên trong APEC.

APEC có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, là cơ chế hợp tác kinh tế đầu tiên ở tầm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia kể từ khi bước vào công cuộc Đổi mới, và cũng là minh chứng về chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước.

Tham gia một diễn đàn hợp tác khu vực quốc tế có vai trò và tầm ảnh hưởng lớn như APEC, cũng là nơi để Việt Nam triển khai, cụ thể hóa các khuôn khổ hợp tác dài hạn đã được thiết lập với 13/21 nền kinh tế thành viên APEC, các FTA đã ký kết với 18/20 đối tác là thành viên APEC.Với chủ đề "Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy", ngay trong phiên khai mạc hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt nam ngày 7/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnhquá trình đổi mới của Việt Nam, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầutư vào Việt nam. Những cam kết của Việt nam đã được bạn bè đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng.

Đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới WEF Philipp Roesler ngày 7/11 cho rằng cùng với quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, thế mạnh nguồn nhân lực trẻ, dồi dào chính là cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Tôi rất tin tưởng vì Việt Nam đã nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình. Việt Nam có một môi trường kinh doanh đầu tư tuyệt vời. Theo nhiều nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, OECD và Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu, trong 5 năm qua, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 20 bậc. Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả việc thúc đẩy hợp tác công tư. Tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải là dầu, là khí mà như ngài Thủ tướng đã nói chính là con người, là giới trẻ”, ông Philipp Roesler nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt nam ngày 7/11.

Việt Nam, một thành viên năng động

Như vậy là với nhiều vấn đề "nóng" của kinh tế Thế giới và Việt Nam, Tuần lễ cấp cao APEC đang tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư, các đối tác lớn của Việt Nam trên thế giới.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo một hệ thống thương mại thế giới cởi mở và tự do, trong bối cảnh thương mại thế giới đang đứng trước những thách thức do sự trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu”. Đây là nhận định được nhà kinh tế Menon của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra ở Việt Nam. Trao đổi với báo giới, ông Menon cho rằng APEC đã trở thành một chuẩn mực để các nền kinh tế thành viên theo đuổi "chủ nghĩa khu vực mở" - nguyên tắc bất biến của APEC kể từ khi ra đời vào năm 1989. Và tại Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017, với những nỗ lực tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam, Diễn đàn APEC sẽ đạt nhiều mục tiêu chung như kỳ vọng.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời Giáo sư Guillermo Perez Cena thuộc Khoa Ngoại thương của Đại học Thế kỷ 21, thành viên Hiệp hội Hợp tác và hội nhập châu Á- châu Mỹ. Ông cho biết vừa có chuyến làm việc 10 ngày tại Việt Nam và ông cảm nhận được không khí chuẩn bị sôi động cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Theo ông, việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC, diễn đàn đa phương góp phần thúc đẩy các quan hệ liên kết giữa các nền kinh tế thành viên, lần này là một thách thức.

Với tiêu đề "Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược và phục hồi trọng tâm ngoại giao", tờ The Washington Times số ra ngày 3/11 đã bình luận về chặng dừng chân tại Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng của Tổng thống Donald Trump.

Theo The Washington Times, trong những trọng tâm ngoại giao trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Trump chính là sự trở lại Việt Nam của Mỹ. Việc Mỹ, từng là cựu thù, nay  trở thành đối tác thương mại gần gũi với Việt Nam, đã chứng minh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Hơn hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ ngày càng trở nên gần gũi hơn. Hai nước luôn mong muốn duy trì và phát triển những thành quả đạt được trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 vừa qua. Theo đó, cam kết tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng và hàng hải.

Dưới tiêu đề “Việt nam và trật tự kinh tế mới tại châu Á-Thái Bình Dương”, chuyên trang Thế giới của trang mạng Acercandonaciones.com, cho biết trong các ngày 10-11/11 tới đây, Hội nghị Cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, nơi lãnh đạo các nền kinh tế thành viên sẽ xác định một trật tự kinh tế mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với một tuần lễ cấp cao APEC 2017, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. APEC 2017 sẽ tiếp tục giúp tăng cường quan hệ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế giữa các nền kinh tế thành viên, qua đó khẳng định vị thế hàng đầu trong việc hình thành liên kết khu vực và thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Thông qua diễn đàn này, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng như của các nền kinh tế thành viên APEC sẽ có cơ hội để kết nối, thiết lập, mở rộng quan hệ và tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn