Hà Nội

APEC - Động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu

10-11-2017 07:07 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29) và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017) - sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực đã khai mạc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị CEO có lãnh đạo các nền kinh tế APEC, hơn 2.000  doanh nghiệp hàng đầu khu vực, quốc tế và 800 doanh nghiệp Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết 3 vấn đề cấp bách. Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới. Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo để các nền kinh tế và người lao động thích ứng tốt hơn với môi trường kinh tế mới.Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị.

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Thứ ba, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, các doanh nghiệp ở khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch. Chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao thượng tôn pháp luật.

Cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực đóng góp vào các cơ chế đa phương. Việc đăng cai Năm APEC lần thứ hai sau đúng 11 năm là minh chứng sinh động thể hiện quyết tâm đó.

Trước đó, vào sáng 8/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC cũng đã khai mạc với sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, hợp tác quốc tế và các nỗ lực hội nhập tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, những đe dọa do căng thẳng khu vực, khủng bố, bất bình đẳng, thiên tai và an ninh mạng đang đặt ra những thách thức gay gắt hơn.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, với mục tiêu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, APEC đang nỗ lực duy trì động lực hợp tác, thúc đẩy 4 ưu tiên của năm APEC 2017, gồm: Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.


Hải Yến
Ý kiến của bạn