Áp xe vú: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

28-03-2024 08:43 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Áp xe vú là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường xảy ra trong giai đoạn người mẹ cho con bú, cụ thể từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 8 sau khi sinh. Một số trường hợp có thể xảy ra ở phụ nữ cai sữa cho bé.

1. Nguyên nhân dẫn đến áp xe vú

Trong áp xe vú, hay gặp nhất là vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Tụ cầu vàng thường xuất hiện trên da và chúng có thể xâm nhập qua các vùng da bị tổn thương ở vú như: vết nứt quanh núm vú khi người phụ nữ cho con bú…chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn thường kèm xuất hiện ổ mủ.

Tỷ lệ nhiễm tụ cầu chiếm đa số thì vấn đề kháng kháng sinh của tụ cầu cũng là vấn đề được bác sĩ lưu ý nhất khi điều trị áp xe vú. Sau tụ cầu là phế cầu, liên cầu, thương hàn, một số vi khuẩn kỵ khí thì ít gặp hơn.

Quá trình viêm cấp tính và nhiễm trùng ban đầu xảy ra cũng giống như ở những nơi khác trong cơ thể cũng có tính khu trú. Tuy nhiên, môi trường sữa ở vú và chính những đoạn ống tuyến sữa là môi trường giúp cho vi khuẩn phát triển nhanh, phát tán, lan rộng ra các vùng lân cận của mô vú. Bản chất mô vú lại là tổ chức liên kết lỏng lẻo và sự ứ đọng sữa làm cho sự nhiễm trùng tiến triển nhanh hơn qua mô đệm cùng hệ thống ống tuyến sữa.

Áp xe vú: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Những phụ nữ nuôi con bú nhưng bị tắc tia sữa cũng dễ gây viêm tuyến vú, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng là áp xe vú.

2. Biểu hiện áp xe vú

Các loại áp xe vú

  • Áp xe vú trong thời gian sau sinh

Phụ nữ mang thai lần đầu khi mẹ lớn tuổi hay tên 30 tuổi hoặc sinh con với thai già tháng (trên 41 tuần) và viêm vú là các yếu tố nguy cơ có thể dễ hình thành áp xe vú. Những phụ nữ nuôi con bú nhưng bị tắc tia sữa cũng dễ gây viêm tuyến vú, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng là áp xe vú. Với áp xe vú sau sinh, có hai giai đoạn người mẹ khi cho con bú dễ bị áp xe vú nhất:

- Tháng đầu tiên sau sinh khi mang thai lần đầu, thời điểm này người phụ nữ vừa mới làm quen với việc nuôi con bú và việc tiết sữa sau sinh. Người mẹ chưa có kinh nghiệm. Những việc như vệ sinh núm vú không sạch, cho con bú không đúng cách, không đúng tư thế dễ bị nứt núm vú tạo điều kiện hình thành áp xe vú. Khoảng 80% áp xe vú xảy ra trong tháng đầu ngay sau khi sinh.

- Giai đoạn thứ 2 là thời điểm cai sữa. Khi cai sữa, chính sự ứ đọng sữa, căng sữa là yếu tố thuận lợi gây áp xe vú.

Ngoài ra khi trẻ mọc răng, ngứa răng lợi, trẻ nghiến và cắn đầu ti khi mẹ cho bé bú cũng làm vú dễ chấn thương.

  • Áp xe vú không liên quan đến sau sinh hoặc cho con bú

Loại áp xe này thường do nguyên nhân viêm xuất phát từ ngoài da hoặc qua các ống tuyến sữa. Ổ áp xe có thể được hình thành từ ngoại vi hoặc trong trung tâm vú. Những bệnh nhân có miễn dịch giảm, sức đề kháng kém hoặc dễ bị nhiễm yếu tố gây viêm như người bị tiểu đường, người hút thuốc có nguy cơ dễ bị áp xe vú này.

Áp xe vú: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Trong áp xe vú, hay gặp nhất là vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.

Các biểu hiện chính của áp xe vú:
  • Sốt cao, mệt mỏi, rét run
  • Đau ở vú
  • Vú bên đau sưng to rõ, nóng đỏ, ấn mềm có vùng lõm đau tăng
  • Đau vùng nách cùng bên, xuất hiện hạch nách ấn đau
  • Sữa vắt ra thấy có ánh vàng nhạt (do trong sữa có mủ)

Để chẩn đoán thì siêu âm vú có hình ảnh nhiều ổ dịch không đồng nhất; chỉ số bạch cầu tăng, bạch cầu trung tính tăng, CRP (C - reactive protein) tăng. Chọc dò ổ viêm xuất hiện dịch mủ, cấy dịch tìm tác nhân gây viêm, làm kháng sinh đồ.

3. Áp xe vú có lây không?

Áp xe vú là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.

4. Phòng ngừa áp xe vú

Bệnh áp xe vú thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh và cho con bú. Có một số lưu ý phòng bệnh như sau:

- Sau sinh mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt, ngay thời điểm da kề da các bé đã có phản xạ tìm vú mẹ.

- Vệ sinh núm vú đúng cách: có thể dùng khăn sạch ấm, lau núm vú nhẹ nhàng trước và sau khi cho con bú. Trước khi cho bú, mẹ có thể massage vú nhẹ nhàng để các ống tuyến sữa dễ thông. Cho con bú thường xuyên, bú đúng cách và bú đúng tư thế.

- Cần cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú, trường hợp bú không hết, mẹ cần vắt hết sữa thừa để tránh tắc tia sữa sau mỗi lần cho bú.

Nếu tắc tia sữa, người mẹ vẫn phải tích cực cho con bú, hút sữa; chườm ấm hoặc chiếu đèn hồng ngoại để tránh tình trạng tắc nặng hơn.

Nếu viêm nhiều cần tới gặp nhân viên y tế hoặc bác sĩ để được hỗ trợ, điều trị sớm nhất tránh hình thành áp xe.

- Hạn chế tình trạng làm nứt hoặc xước núm vú vì đây là con đường vi khuẩn dễ xâm nhập vào vú nhất. Cần cho con bú đúng cách ngậm hết quầng thâm, tránh tình trạng gây nứt núm vú.

- Nên chọn áo ngực dành riêng cho mẹ bầu, loại mềm, không chật... để tránh gây tổn thương vú. Hạn chế cai sữa đột ngột, nên giảm dần số lượng và số cữ bú cho bé từ từ.

5. Điều trị áp xe vú

Nguyên tắc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân trong đó tùy vào các giai đoạn viêm và áp xe. Các biện pháp chung bao gồm:

  • Thuốc giảm đau

Thuốc giảm dòng Ibuprofen được coi là hiệu quả nhất và cũng có tác dụng nhiều trong giảm viêm, chống phù nề. Ngoài ra, cũng có thể thay thế bằng giảm đau Paracetamol. Cần tránh sử dụng Tramadol và các opioid khác do chúng có tác dụng ức chế thần kinh trung ương đối với trẻ sơ sinh khi thuốc qua sữa mẹ.

  • Chườm ấm, massage vú, sử dụng áo hỗ trợ cho ngực

Các phương pháp giúp giảm tắc sữa, tan khối do tắc tia sữa hình thành, áo hỗ trợ ngực giúp làm giãn dây chằng Cooper, giảm phù nề, làm vú bớt đau khi người mẹ di chuyển.

  • Lựa chọn thuốc kháng sinh phụ thuộc những yếu tố sau

Thuốc không gây hại cho em bé; Thuốc cần được tiết ra, cô đặc và đạt nồng độ tốt trong sữa; Thuốc phải duy trì hoạt tính trong pH có tính axit của sữa.

Khi một ổ áp xe đã hình thành cần chọc hút mủ, tốt nhất là dưới sự kiểm soát của siêu âm, hiện đã thay thế phẫu thuật mở như là phương pháp điều trị đầu tiên. Việc vắt hết sữa tự nhiên thường xuyên ở vú là một phần thiết yếu của việc điều trị.

  • Chích áp xe, dẫn lưu, chú ý phá vỡ các ổ mủ.

Các bác sĩ sẽ rạch theo hình nan hoa không chạm vào quầng vú, không tổn thương ống dẫn sữa, đủ rộng để dẫn lưu mủ, rửa vết thương bằng oxy già, thuốc sát khuẩn betadin, đặt meches dẫn lưu, thay băng hàng ngày, đến khi hết mủ.

Tiêm filler tạo ‘ngực khủng’, một phụ nữ áp xe vú nặng, chảy mủTiêm filler tạo ‘ngực khủng’, một phụ nữ áp xe vú nặng, chảy mủ

SKĐS - Sau tiêm filler một tháng, người phụ nữ 42 tuổi bị sưng tức ngực hai bên, sốt, kèm đau đớn. Các bác sĩ phát hiện trong ngực bệnh nhân có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp xe vú...


ThS. BS. Nguyễn Văn Bình
Ý kiến của bạn