Đau bụng thượng vị âm ỉ - nội soi phát hiện ổ áp xe ở môn vị của dạ dày
2 ngày trước khi vào viện thăm khám, anh xuất hiện triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, cảm giác đầy tức khó chịu, đau không nóng rát, không ợ hơi, ợ chua, cảm giác gai rét, đại tiểu tiện bình thường. Anh cố chịu đựng, nhưng cơn đau nhói vùng thượng vị ngày càng dồn dập, khó chịu hơn. Nhận thấy triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, anh Tịnh nghi ngờ bản thân có thể bị viêm loét dạ dày – hành tá tràng nên đã quyết định đi khám để tìm nguyên nhân.
Qua thăm khám và nội soi dạ dày công nghệ NBI, Ths.BS Lê Dương Tiến – Trung tâm Tiêu hóa Bệnh viện Hồng Ngọc đã phát hiện anh Tịnh bị áp xe môn vị với khối lồi kích thước khá lớn 2x2 cm chứa nhiều dịch mủ bên trong.
"Với triệu chứng đau bụng vùng thượng vị, mọi người hay nghĩ tới các nguyên nhân thường gặp như bệnh lý về viêm loét dạ dày - hành tá tràng, bệnh lý về gan mật, bệnh lý co thắt đại tràng, bệnh lý về tụy tạng hay bệnh lý viêm ruột thừa cấp giai đoạn sớm… Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân N.H.Tịnh vào viện trong tình trạng đau bụng, gai rét, xét nghiệm máu thấy bilan nhiễm trùng tăng (bạch cầu đa nhân trung tính tăng, phản ứng viêm CRP tăng). Thông qua nội soi dạ dày chúng tôi phát hiện tổn thương ở vùng dưới niêm mạc vùng tiền môn vị kích thước 2x2cm; thực hiện thăm dò bằng kìm sinh thiết, thấy có rất nhiều dịch mủ trắng trong ổ áp xe chảy ra. Từ thực tế nội soi, chúng tôi đưa ra chẩn đoán xác định bệnh nhân bị áp xe môn vị, trường hợp rất rất hiếm gặp" - Ths.BS Lê Dương Tiến cho biết.
Loại bỏ áp xe môn vị hiếm gặp không cần phẫu thuật
Thông thường để điều trị một ổ áp xe do vi khuẩn gây ra sẽ phải dùng kháng sinh, dẫn lưu ổ mủ và điều trị các biến chứng có thể xảy ra. Nhưng trường hợp bệnh nhân N.H.Tịnh rất may mắn vì đã kịp thời nhập viện khi chưa xảy ra biến chứng nguy hiểm của áp xe môn vị.
Theo bác sĩ Tiến, việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều nếu bệnh nhân nhập viện muộn khi ổ áp xe bị dò hay vỡ, chảy mủ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn bộ ổ bụng. Khi đó, bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị sốc do nhiễm trùng, nhiễm độc gây nguy hiểm đến tính mạng và buộc phải chuyển phẫu thuật ngoại khoa cấp cứu. Bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật với đường mổ dài, thời gian phục hồi lâu, chi phí điều trị tốn kém hơn, cũng như sẽ gặp một số di chứng nặng nề về sau.
Với trường hợp của anh Tịnh, bác sĩ Lê Dương Tiến đã nội soi dẫn lưu mủ trong ổ áp xe ngay trong quá trình nội soi như một phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Sau nội soi chẩn đoán và nội soi điều trị dẫn lưu ổ mủ áp xe môn vị, bệnh nhân đã cảm thấy dễ chịu ngay, tình trạng sức khỏe cải thiện tốt, đỡ đau bụng hơn rất nhiều.
Anh Tịnh chia sẻ: "Khi biết bản thân bị áp xe môn vị hiếm gặp, tôi cảm thấy khá lo lắng. Nhưng khi được bác sĩ Tiến giải thích chi tiết về tình trạng bệnh và cho biết do tôi đi khám kịp thời nên chưa có biến chứng nguy hiểm nào xảy ra, tôi được trấn an phần nào.
Cảm ơn bác sĩ Tiến và ekip của Trung tâm Tiêu hóa Bệnh viện Hồng Ngọc đã thực hiện nội soi điều trị ổ áp xe thành công cho tôi. Cảm ơn các bạn điều dưỡng đã chăm sóc tôi chu đáo trong thời gian lưu viện. Trải nghiệm rồi tôi mới thấy hóa ra nội soi tiêu hóa không hề đáng sợ như mọi người nói".
Lời khuyên từ chuyên gia
Áp xe là bệnh lý dễ gặp ở tất cả các cơ quan nội tạng khác nhau như áp xe não, gan, phổi, vùng cạnh hậu môn trực tràng, dưới da… Tuy nhiên, ổ áp xe ở dạ dày, cụ thể áp xe môn vị rất rất hiếm gặp, tại Việt Nam cũng chưa từng có. Hơn nữa, bệnh này rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm ruột thừa cấp giai đoạn sớm vì các triệu chứng tương tự nhau.
Nguyên nhân của ổ áp xe dạ dày vẫn chưa được xác định rõ ràng, nguy cơ cao gặp phải ở bệnh nhân có tiền sử sang chấn (ăn thức ăn cứng, nhọn như xương cá, xương gà…), viêm nhiễm… Trường hợp của bệnh nhân Tịnh ở trên, qua khai thác chế độ ăn uống thì được biết khoảng hơn 1 tuần trước, anh có ăn canh cá. Không loại trừ đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp xe môn vị mà bệnh nhân gặp phải.
Qua ca bệnh của anh N.H.Tịnh, bác sĩ Lê Dương Tiến khuyến cáo: "Để phòng ngừa áp xe dạ dày, tất cả mọi người cần chú ý tới việc ăn uống của bản thân, nên ăn chậm, nhai kỹ trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là khi ăn những món ăn nguy cơ như cá, gà… cần cẩn thận gỡ xương kĩ càng. Bên cạnh đó, khi thấy đau bụng vùng thượng vị dai dẳng, điều trị bằng thuốc dạ dày thông thường không đỡ cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện bệnh kịp thời".