Sau khi bị viêm phổi, tôi lại bị sốt 39 độ C kèm theo đau ngực, ho khạc đờm đặc. Tôi đã đến khám tại bệnh viện, làm xét nghiệm và được chẩn đoán áp-xe phổi. Xin hỏi, áp-xe phổi được điều trị thế nào?
Sau khi bị viêm phổi, tôi lại bị sốt 39 độ C kèm theo đau ngực, ho khạc đờm đặc. Tôi đã đến khám tại bệnh viện, làm xét nghiệm và được chẩn đoán áp-xe phổi. Xin hỏi, áp-xe phổi được điều trị thế nào?
Trần Văn Trung(Ninh Bình)
Áp-xe phổi hay còn gọi mưng mủ phổi là một bệnh lý viêm cấp tính nhu mổ phổi, gây hoại tử và phá hủy màng phế nang-mao mạch, tạo nên một ổ chứa mủ trong nhu mô phổi. Thành phần của mủ là tổ chức phổi hoại tử và các xác bạch cầu thoái hoá. Nguyên nhân chính của áp-xe phổi là do vi khuẩn, có thể do vi khuẩn xâm nhập vào theo đường phế quản, theo đường máu, do viêm phổi hay xâm nhập qua cơ hoành. Trường hợp của bạn, trên cơ sở viêm phổi (do virut hoặc vi khuẩn) kèm theo các rối loạn cơ chế bảo vệ của phổi và suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, nhu mô phổi xuất hiện các điểm hoại tử, bội nhiễm và hình thành áp-xe phổi. Bệnh có thể điều trị khỏi bằng nội khoa hoặc ngoại khoa.
Điều trị nội khoa cần sử dụng kháng sinh mạnh, liều cao theo kháng sinh đồ, khi cần phải phối hợp nhiều loại kháng sinh. Thời gian điều trị kháng sinh phải dựa trên lâm sàng và Xquang, thông thường là từ 6-8 tuần. Tuy nhiên, nếu được điều trị tốt, sau khoảng 2 tuần, các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho khạc đờm sẽ giảm nhanh chóng rồi hết hẳn. Các triệu chứng Xquang giảm chậm hơn, sau khoảng 4-6 tuần, các thâm nhiễm quanh ổ áp-xe mới xoá dần, hình ổ áp-xe thu nhỏ lại, viền mỏng lại rồi liền hẳn. Chỉ khi cả triệu chứng lâm sàng và Xquang (chụp thường và chụp cắt lớp) đều ổn định thì mới xác định là khỏi áp-xe phổi. Ngoài ra cần soi, chụp phế quản để kiểm tra lại và cần tiếp tục theo dõi trong nhiều tháng sau.