Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi trung niên có tỷ lệ cao hơn và xảy ra nhiều hơn ở những người cơ địa suy kiệt, giảm miễn dịch, nghiện rượu, thuốc lá, đái tháo đường, mắc các bệnh phổi mạn tính...
Nguyên nhân nào gây bệnh?
Các tác nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn, ký sinh trùng, cụ thể:
Vi khuẩn kỵ khí: Đây là những vi khuẩn thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ hơn 60%. Khi nhiễm vi khuẩn kỵ khí rất dễ phát hiện vì chúng khiến cho hơi thở và đờm của bệnh nhân có mùi hôi, có thể gây nên những áp xe lan tỏa, bán cấp và thường kết hợp với các loại vi khuẩn khác như liên cầu, phế cầu... Các loại vi khuẩn kỵ khí thường gặp là Bacteroide melaniogenicus, Fusobaterium nucleotum, Bacteroide fragilis Peptococus, Peptostreptococcus...
Tụ cầu vàng: Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ còn bú với các triệu chứng như sốt cao, rối loạn tiêu hóa (nôn, chướng bụng...) sụt cân. Bệnh cảnh lâm sàng vừa phổi vừa màng phổi (tràn khí, dịch màng phổi) gây suy hô hấp, nhiễm trùng nhiễm độc nặng...
Chụp Xquang là biện pháp hữu hiệu chẩn đoán áp xe phổi
Nhiễm Klebsiella Pneumoniae: Tiến triển lan rất nhanh, khái huyết, bệnh cảnh rất nặng và nguy cơ tử vong cao.
Những vi khuẩn khác: Như phế cầu, liên cầu nhóm A hay tan máu, các vi khuẩn Gram (-) như Pseudomonas aeruginosa, Hemophillus influenzae, Legionella pneumophila cũng gây áp xe phổi.
Ký sinh trùng: Thường gặp nhất là amip, có thể là nguyên phát nhưng hầu hết là thứ phát sau áp xe gan, ruột.Thương tổn thường gặp ở đáy phổi phải, sát với cơ hoành và thường kèm thương tổn ở màng phổi (phản ứng), đờm có thể có màu nâu sẫm nhưng thường gặp là máu tươi.
Đối với những bệnh nhân có các bệnh u phổi, phế quản gây nghẽn, bội nhiễm hay hoại tử (ung thư), giãn phế quản, hang lao, kén phổi bẩm sinh, các chấn thương lồng ngực hở, đặt nội khí quản... thì nguy cơ bị áp xe phổi cao. Ngoài ra, ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng nặng, nghiện rượu... cũng có nguy cơ cao bị áp xe phổi.
Thông thường, áp xe phổi là nguyên phát, vi khuẩn gây ra áp xe phổi theo các đường khí - phế quản. Do hít phải vi khuẩn từ không khí hoặc do nhiễm trùng ở mũi họng, răng - lợi, amidan. Hoặc sau phẫu thuật ở tai mũi họng, răng hàm mặt, các dị vật đường thở, trong lúc hôn mê, đặt nội khí quản, trào dịch dạ dày... Do bệnh nhân bị rối loạn phản xạ nuốt, không ho và khạc đờm được, liệt các cơ hô hấp, cơ hoành, tắc nghẽn đường thở gây ứ đọng...
Áp xe phổi có nguy hiểm không?
Đối với áp xe phổi, khi không được điều trị sớm, người bệnh chủ quan hoặc điều trị không đúng cách đều sẽ có khả năng gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Các biến chứng nguy hiểm như:
Tràn mủ màng phổi: Đây là biến chứng đầu tiên do bệnh áp xe phổi gây ra. Khi ổ áp xe bị vỡ thông với màng phổi sẽ gây tràn mủ màng phổi, nguy hiểm cho người bệnh.
Ho ra máu: Với người bệnh bị áp xe phổi mạn tính, các triệu chứng ho, ho nhiều, ho có thể ra máu do tình trạng vỡ mạch máu lớn, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi áp xe ở gần rốn phổi.
Nhiễm trùng huyết: Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi mà vi khuẩn trong ổ áp xe xâm nhập vào máu, gây sốc và có thể tử vong.
Ngoài các biến chứng trên, áp xe phổi còn dẫn tới các biến chứng như xơ phổi, giãn phế quản, áp xe não... Các biến chứng nặng có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
Phòng bệnh như thế nào?
Áp xe phổi là bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sinh mạng của người bệnh. Do đó, việc phòng bệnh cần thực hiện một cách nghiêm túc và thường xuyên bằng cách sau:
Luôn luôn giữ gìn vệ sinh răng, miệng, mũi và họng sạch sẽ để tránh viêm nhiễm từ trên lan xuống phổi gây áp xe; giữ ấm cơ thể vào mùa đông, nhất là vùng cổ và ngực; phòng ngừa các dị vật rơi vào đường thở; tập thể dục thường xuyên; bổ sung các loại hoa quả, trái cây và thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều vitamin C và nhóm B để nâng cao sức đề kháng cơ thể. Khi có dấu hiệu ho, đau ngực, sốt cao cần phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán từ đó có hướng điều trị kịp thời.