Áp xe phổi là bệnh lý khá phổ biến trong các bệnh liên quan đến phổi và là một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây ra sự hình thành của một khối mủ trong phổi.
Nguyên nhân áp xe phổi do đâu?
Bệnh áp xe phổi thường xảy ra khi vi khuẩn tấn công và gây ra sự hoại tử mô phổi. Áp xe phổi có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phổ biến là do các nguyên nhân sau:
- Vi khuẩn kỵ khí: gồm các vi khuẩn Bacteroides melaninogenicus, Fusobacterium nucleatum, Bacteroid fragilis peptococcus, Peptostreptococcus… Đây là những vi khuẩn thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ hơn 60% các nguyên nhân gây áp xe phổi.
- Tụ cầu vàng: bệnh cảnh lâm sàng khá nặng nề khi tổn thương nhu mô phổi và màng phổi, có nguy cơ hội chứng suy phổi, nhiễm trùng, nhiễm độc nặng… cho người bệnh.
- Do klebsiella Pneumoniae: tiến triển lan rất nhanh, bệnh cảnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Những vi khuẩn khác như phế cầu khuẩn, liên cầu nhóm A hay tan máu, các vi khuẩn Gram (-) như Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Do ký sinh trùng: Thường gặp nhất là amip, có thể là nguyên phát nhưng đa số các trường hợp là thứ phát sau áp xe gan, ruột. Tổn thương này thường gặp ở đáy phổi phải, sát với cơ hoành và thường kèm theo thương tổn ở màng phổi, các triệu chứng đặc trưng là ho có đờm màu socola và có lẫn máu tươi.
- Do nấm: đây thường là nguyên nhân gây áp xe phổi với những bệnh nhân bị mắc triệu chứng nghiện rượu, đái tháo đường hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch do nhiều nguyên nhân khác. Những loại nấm gây bệnh điển hình là Mucoraceae và Aspergillus spp.
Một số nguyên nhân khác có thể gây bệnh là kén phế quản bội nhiễm, ung thư nguyên phát hoại tử, giãn phế quản, hang lao, kén phổi bẩm sinh, các chấn thương lồng ngực hở, đặt nội khí quản…Bệnh gây ra bởi các dị vật: các dị vật thông qua thức ăn, nước uống sẽ xâm nhập vào phổi khi bệnh nhân bị sặc hay trào ngược dạ dày. Lâu dần các dị vật này sẽ gây nên áp xe trong phổi.
Ai dễ có nguy cơ mắc áp xe phổi?
Ai cũng có thể mắc áp xe phổi, tuy nhiên người bệnh bị mắc các bệnh nền như khi mắc các bệnh như u phổi, ung thư phổi hoặc giãn phế quản, chấn thương lồng ngực hở thì rất có nguy cơ người đó sẽ bị áp xe phổi. áp xe phổi có thể mắc cùng lúc hoặc sau khi mắc các bệnh lý nền.
Người già, yếu liệt, nằm lâu, vệ sinh răng miệng kém, ho khạc yếu dễ nguy cơ hít sặc vào phổi.Người suy giảm nhận thức do uống rượu, sử dụng thuốc phiện, thuốc gây mê, an thần, dễ có nguy cơ hít sặc chất tiết vào phổi; Người tiêm chích ma túy, có nguy cơ viêm nội tâm mạc, biến chứng áp xe phổi.
Biểu hiện của áp xe phổi
Bệnh thường tiến triển âm thầm, sau nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, các triệu chứng có thể không điển hình, bao gồm: ho có đờm, sốt, mồ hôi đêm, sụt cân; Đôi khi bệnh nhân đến khám vì ho ra máu, đau ngực, ho đờm đục, hoặc đờm có dây máu và có mùi hôi, kèm theo hơi thở hôi.
Áp xe phổi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển tốt, bệnh khỏi hoàn toàn sau một thời gian để lại sẹo xơ phổi.
Trường hợp không điều trị kịp thời, hoặc điều trị không đúng cách, không đáp ứng tốt có thể tiến triển thành áp xe mạn tính và có thể tử vong.
Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, việc thăm khám bác sĩ là vô cùng quan trọng. Khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra phổi sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán sớm bệnh lý và đưa ra phương án điều trị hiệu quả.
Phòng ngừa áp xe phổi
Bệnh áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm ở phổi, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh luôn được ưu tiên. Chúng ta cần chú ý:
- Luôn giữ vệ sinh và điều trị tốt các nhiễm khuẩn ở răng, miệng, mũi và họng để tránh sự viêm nhiễm từ trên lan xuống gây áp xe phổi.
- Chú ý các biện pháp giữ ấm cho cơ thể, nhất là vào mùa đông.
- Phòng tránh các dị vật rơi vào đường thở. Thận trọng khi tiến hành các thủ thuật ở vùng răng hàm mặt, tai mũi họng để tránh các mảnh vụn rơi vào khí phế quản.
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, bổ sung các loại hoa quả, trái cây và thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều vitamin C và nhóm B. Và điều quan trọng đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả khi xuất hiện các triệu chứng ho, sốt cao, đau ngực,…