Áp-xe vú là ổ viêm ở sâu trong tuyến vú do vi khuẩn gây ra, thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con. Bệnh gây sưng đau, chảy mủ ra núm vú. Mùa hè nắng nóng, ra nhiều mồ hôi dễ bị viêm da do tụ cầu, liên cầu và áp-xe vú do 2 loại vi khuẩn này.
Nhiều loại vi khuẩn gây bệnh
Có nhiều loại vi khuẩn có thể gây áp-xe vú, trong đó hay gặp là tụ cầu và liên cầu hoặc phối hợp 2 loại vi khuẩn này gây bệnh. Các loại vi khuẩn: phế cầu, lậu cầu, trực khuẩn thương hàn, vi khuẩn kỵ khí cũng gây áp-xe vú. Phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con mà bị ốm đau, ăn uống thiếu chất, thức đêm nhiều, lao động vất vả ít được nghỉ ngơi, ứ đọng sữa trong tuyến vú là các yếu tố dễ gây áp-xe vú. Ổ áp-xe có thể ở trước tuyến, trong tuyến, sau tuyến. Tiến triển một ổ áp-xe thường trải qua hai giai đoạn: viêm và tạo thành áp xe, hoại tử.
Biểu hiện của áp-xe vú
Bình thường, vi khuẩn ở trên da không gây bệnh. Khi cơ thể giảm sức đề kháng, núm vú bị trầy xước, chúng sẽ xâm nhập gây viêm rồi áp-xe. Vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp từ da vào tuyến vú qua các ống dẫn sữa hoặc các vết xây sát ở núm vú và quầng vú; gián tiếp: từ một ổ nhiễm khuẩn ở nơi khác trong cơ thể qua đường máu hoặc đường bạch huyết đến gây áp-xe vú.
Ổ áp-xe tuyến vú. |
Biểu hiện bệnh phụ thuộc vào vị trí và giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn viêm, bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Đau nhức ở sâu trong tuyến vú, đau tăng khi cử động vai hay cánh tay. Vú bị viêm sưng to, mật độ chắc, hạch ở nách cùng bên sưng to và đau. Vùng da trên ổ viêm bình thường nếu ổ viêm ở sâu trong tuyến hoặc nóng, đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay dưới da hay trên bề mặt của tuyến. Giai đoạn tạo thành áp-xe: có một hay nhiều ổ áp-xe nằm ở một hay nhiều thùy khác nhau của tuyến vú. Lúc này, mọi triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng nặng lên: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc như sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu, khát nước, da xanh, vùng da trên ổ áp-xe thường nóng, căng, sưng đỏ hay phù tím. Trường hợp ổ áp-xe nằm ở sâu thì da vẫn có thể bình thường. Các tĩnh mạch dưới da nổi rõ, hạch bạch huyết sưng viêm, núm vú tụt vào trong. Nếu ổ áp-xe thông với các ống dẫn sữa, có thể thấy sữa lẫn mủ chảy ra ở đầu núm vú. Chọc ổ áp-xe có thể hút được mủ.
Nếu áp-xe vú mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm xơ tuyến vú mạn tính. Lúc này, các triệu chứng đã đỡ: không sốt hay chỉ sốt nhẹ. Có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt lổn nhổn, không rõ ranh giới, không dính da, ít đau. Viêm tấy tuyến vú xảy ra gây mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, mô lỏng lẻo dưới da, mô liên kết và mô tuyến vú. Ổ viêm lan rộng và thấm vào các mô. Biểu hiện bằng hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng.
Biến chứng nặng nhất là hoại tử vú do vi khuẩn có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra. Biểu hiện là hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, tụt huyết áp, toàn thân suy sụp. Vú sưng căng to, phù nề, da trên ổ áp-xe có màu vàng nhạt hay bị hoại tử. Hạch bạch huyết sưng đau.
Xử trí áp-xe vú
Khi đã tạo thành áp-xe tuyến vú thì cần phải chích rạch, tháo mủ. Những ổ áp-xe ở nông dưới da, xung quanh vùng quầng vú thì chích nặn mủ. Nếu ổ áp-xe thể tuyến cần gây mê hoặc gây tê tại chỗ để chích áp-xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên vùng áp-xe. Thường bác sĩ rạch từ 7-10cm nhưng cách núm vú từ 2-3cm. Dùng ngón tay đeo găng vô khuẩn đưa vào ổ mủ để phá hết các vách xơ. Nếu khó tháo mủ vì áp-xe có nhiều ổ thì có thể rạch đường thứ hai (rạch đối chiếu) để tháo mủ. Sau khi tháo mủ, phải đặt dẫn lưu bằng ống cao su hoặc gạc. Cần bơm rửa ổ áp-xe hàng ngày qua ống dẫn lưu bằng dung dịch sát khuẩn kết hợp với dùng kháng sinh toàn thân. Đối với các ổ áp-xe ở sau tuyến thì phải rạch tháo mủ theo đường vòng cung ở bờ dưới, ngoài tuyến vú. Phải rửa ổ áp-xe hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn để tạo điều kiện cho sự liền sẹo của ổ áp-xe. Vì áp-xe vú đa số do tụ cầu và liên cầu gây bệnh, mà 2 loại vi khuẩn này lại có khả năng kháng thuốc rất mạnh nên bác sĩ thường lấy mủ làm kháng sinh đồ để lựa chọn dùng kháng sinh có hiệu lực tốt nhất diệt vi khuẩn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phụ nữ muốn tránh áp-xe vú trong thời kỳ cho bú cần áp dụng các biện pháp sau đây: giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú và núm vú trước và sau khi cho con bú. Tránh làm xây sát, rạn nứt đầu núm vú khi cho con bú. Khi con bú mà ngủ quên, nếu bà mẹ giật núm vú ra rất dễ bị răng của con đang ngậm núm vú gây trầy xước. Tránh tình huống này bằng cách: bà mẹ nên tập cho con bú no, uống nước súc miệng rồi mới ngủ. Nên cho con bú hết từng bệnh vú, nếu trẻ bú chưa hết thì vắt sữa ra, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa dễ bị áp-xe. Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; tránh thức khuya, lao động vừa sức.
BS. Trần Thanh Tâm