Áp xe nha chu là trường hợp nha khoa thường gặp thứ 3 và nó đặc biệt phổ biến ở những bệnh nhân viêm nha chu không được điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh
Về cơ bản áp xe nha chu hình thành khi vi khuẩn từ túi nha chu xâm nhập vào vùng mô mềm xung quanh răng gây kích hoạt các phản ứng viêm làm phóng thích cytokine và các chất hóa học gây viêm khác. Các hoạt chất này kết hợp với hoạt động của vi khuẩn gây bệnh tạo ra các ổ nhiễm trùng cấp tính và làm phá hủy nhanh chóng các tổ chức mô nha chu.
Có 2 nhóm nguyên nhân chính giúp cho vi khuẩn xâm nhập vào các mô nha chu gây ra bệnh áp xe nha chu là:
* Nhóm 1: liên quan đến túi nha chu (bênh viêm nha chu) gồm:
- Do bệnh lý viêm nha chu cấp tính kèm theo túi nha chu sâu.
- Các mảnh vỡ sinh ra từ việc lấy mảng bám và vôi răng xâm nhập sâu vào nướu nhưng không được phát hiện để loại bỏ.
- Sai sót trong điều trị nội nha.
- Các dị vật như mảnh chỉ, mảnh kim loại nằm sót lại sau khi điều trị nha khoa.
* Nhóm 2: liên quan đến các bất thường về hình thái học cuả răng:
- Do nứt dọc răng
- Do rãnh cổ răng (Palatogingival groove )
Hệ vi khuẩn gây bệnh trong Áp xe nha chu thường tương tự với túi nha chu gồm: Prevotella, Actinomyces, Streptococci……
Biểu hiện và biến chứng của bệnh Áp xe nha chu
Các triệu chứng thường gặp của Áp xe nha chu là:
- Có ổ nhiễm trùng lớn kèm theo mủ gần chân răng.
- Sờ rất đau.
- Răng lung lay dữ dội.
- Sốt nhẹ kèm sưng hạch tại chỗ.
- Nướu bị sưng đỏ gần chỗ viêm.
- Nướu có thể có chảy máu, mủ.
- Có thể có lỗ dò.
Bệnh Áp xe nha chu nếu không được điều trị kịp thời có thể gây phá hủy hoàn toàn xương ổ răng, răng gây các biến chứng nặng lên người bệnh như: mất răng, hoại tử mô…. Nguy hiểm hơn nếu các ổ nhiễm trùng lan rộng có thể gây nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc bán cấp…. đe dọa đến tính mạng người bệnh .
Điều trị
Đây là một bệnh lý cấp tính cần sự can thiệp nha khoa khẩn cấp. Tùy theo tình trạng bệnh lý mà nha sĩ có thể :
- Tùy theo mức độ nhiễm trùng mà việc sử dụng kháng sinh có thể cân nhắc đầu tiên nhằm ngăn chặn sự phá hủy các cấu trúc chu xung quanh.
- Làm sạch túi nha chu.
- Rạch dẫn lưu mủ và rửa sạch ổ nhiễm trùng.
- Điều trị nhiễm trùng: Nha sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và kháng sinh thường được sử dụng là spiramycin kết hợp với metronidazole.
- Súc miệng bằng nước muối liên tục 3 lần/ ngày trong vòng một tuần.
- Nhổ răng nếu tiên lượng xấu không thể cứu vãn.
=> Lưu ý trong mọi trường hợp, điều trị cơ học kết hợp sử dụng kháng sinh toàn thân là bắt buộc.
Phòng bệnh
- Điều trị bệnh viêm nha chu sớm.
- Khám răng định kì để phát hiện sớm các bệnh viêm nha chu và bất thường về răng.
- Điều trị răng tại các cơ sở y tế uy tín.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa các bệnh lý về răng miệng.
PGS.TS Nguyễn Phú Thắng
Trưởng Bộ môn Phẫu thuật trong miệng, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội