1. Nguyên nhân gây áp xe não
Nguyên nhân gây bệnh áp xe não có nhiều nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn sinh mủ (Bacteroides, liên cầu, tụ cầu, Enterobacteriace), ít gặp hơn là nấm (Aspergillus), kí sinh trùng (Toxoplasma gondii).
Con đường hình thành áp xe não là từ những ổ nhiễm trùng kế cận sọ não (viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm mủ dưới màng cứng, viêm màng não); từ vết thương, vết mổ sọ não; từ đường máu mang mầm bệnh tới mô não (trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh tim bẩm sinh có shunt phải sang trái, tiêm chích ma túy...), nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh áp xe não là suy giảm miễn dịch (lớn tuổi, bệnh nền đái tháo đường, xơ gan, lạm dụng corticoid, bệnh tim bẩm sinh, ung thư, mắc HIV); tiêm chích ma túy; vết thương sọ não hở hoặc có phẫu thuật sọ não; viêm nhiễm vùng tai mũi họng tái diễn...
2. Dấu hiệu bệnh áp xe não
Áp xe não là bệnh xảy ra bán cấp, nhưng diễn tiến đôi khi mãn tính, một vài bệnh nhân có diễn tiến lâm sàng như một u não. Khởi đầu bệnh thường biểu hiện bệnh lý trước đó như nhiễm trùng vùng mặt nhất là các xoang, viêm tai giữa, viêm phổi, hoặc nhiễm trùng huyết. Những trường hợp bệnh phát hiện muộn hơn thì bệnh cảnh trước đó có thể bị bỏ quên hay không thật rõ ràng. Đặc điểm chung của áp xe não gồm ba nhóm triệu chứng chính:
- Hội chứng nhiễm trùng: Sốt là dấu hiệu thường gặp trong khoảng 60% trường hợp, thường sốt nhẹ, nhiệt độ thay đổi sáng chiều. Khoảng 30% trường hợp không sốt. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu nhiễm độc như da xanh, vẻ mặt hốc hác, tim đập nhanh, tri giác giảm dần.
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Tăng áp lực trong sọ thường gặp, nó là dấu hiệu gợi ý chẩn đoán và hướng chẩn đoán một áp xe não hoặc phân biệt với một khối choán chỗ.
- Đau đầu là triệu chứng sớm, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu có khi đi kèm với bệnh lý viêm xoang, nhiễm trùng hô hấp, viêm tai giữa, hoặc bệnh lý cơ hội trước đó. Đau âm ỉ, tăng dần và kéo dài thường gặp hơn trường hợp đau dữ dội. Những triệu chứng đau cục bộ hiếm gặp hơn.
- Nôn là triệu chứng xuất hiện muộn sau đau đầu, trong trường hợp áp xe vùng tiểu não thì đau đầu và nôn thường kết hợp, các triệu chứng này tăng khi thay đổi tư thế. Tăng áp lực nội sọ kéo dài gây nên trì trệ, tri giác giảm dần, hôn mê. Một vài trường hợp đau đầu tăng, nôn ói, hôn mê, mạch chậm, thở nhanh báo hiệu tăng áp lực quá nhiều có thể gây tụt não. Tụt não là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, thông thường tỷ lệ tử vong cao, một vài bệnh nhân có thể hy vọng cấp cứu được với phương tiện giảm áp tích cực và hiệu quả. Những áp xe não có bọc rõ rệt, thời gian kéo dài có thể phù gai thị (70%).
- Dấu thần kinh cục bộ: Áp xe não cũng giống như các u não khác vì đều là tổn thương choán chỗ-cục bộ. Thời kỳ đầu có 25% co giật, yếu nhẹ nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn tâm thần, liệt dây thần kinh số VI một hoặc hai bên. Triệu chứng muộn của áp xe não thường xuất hiện rõ và sớm hơn u não.
- Áp xe vùng thái dương: Giai đoạn sớm thường đau đầu một bên. Áp xe bên bán cầu ưu thế có thể có rối loạn ngôn ngữ. Góc manh đồng danh trên có thể là biểu hiện duy nhất của áp xe thùy thái dương.
- Áp xe thùy trán: Thường có triệu chứng rối loạn ý thức - tâm thần vô cảm, giảm trí nhớ, tư duy chậm chạp, thay đổi nhân cách.
- Áp xe gần rãnh trung tâm: Hội chứng tháp nửa người, bán manh đồng danh trên và là áp xe thường gặp do viêm tai.
- Áp xe tiểu não: Thường biểu hiện các triệu chứng giảm trương lực cơ, thất điều cùng bên với tổn thương, nếu hạn chế liếc mắt sang bên tổn thương nên nghĩ đến áp xe đang phát triển, chèn ép thân não nhất là cầu não.
- Áp xe thân não hiếm gặp, triệu chứng có thể là rung giật nhãn cầu, liệt nửa người giao bên, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên….
3. Bệnh áp xe não có lây không?
Một ổ áp xe có thể có 3 đường vào. Một là lan trực tiếp từ ổ nhiễm trùng trong sọ não như viêm tai giữa, viêm xoang hàm, viêm mũi xoang. Hai là từ chấn thương đầu hay trong phẫu thuật sọ não. Ba là qua đường máu. Tuy nhiên có đến 25% áp xe không rõ ổ nguyên phát.
4. Cách phòng áp xe não
Một số áp xe não có liên quan đến việc vệ sinh răng miệng kém hoặc nhiễm trùng xoang phức tạp. Do đó, nên dùng chỉ nha khoa hàng ngày, đánh răng đúng cách và đến nha sĩ thường xuyên. Trong trường hợp người bệnh bị viêm xoang, bác sĩ sẽ điều trị nhiễm trùng xoang bằng thuốc thông mũi. Nếu các triệu chứng của nhiễm trùng xoang hoặc răng vẫn tiếp diễn, người bệnh có thể phải dùng kháng sinh.
Những người nhiễm HIV không được điều trị cũng có nguy cơ cao bị áp xe não. Do đó, cần chủ động phòng tránh HIV bằng cách quan hệ tình dục an toàn… Người bị nhiễm HIV dùng thuốc kháng virus thường xuyên sẽ làm giảm đáng kể khả năng phát triển áp xe não.
5. Các phương pháp điều trị áp xe não
Tùy từng người bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp.
Điều trị nội khoa: kháng sinh (hoặc thuốc kháng nấm, kí sinh trùng), thời gian điều trị kéo dài 4-8 tuần, điều trị hỗ trợ: chống phù não, chống co giật, chống viêm, giảm đau hạ sốt, cân bằng dịch, dinh dưỡng, điện giải.
Can thiệp nếu có chỉ định: Người bệnh hôn mê, co giật, ứ đọng đường thở cần được thở máy qua nội khí quản bảo vệ đường thở, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm duy trì an thần giảm đau đường tĩnh mạch, phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe.
Phẫu thuật điều trị bệnh áp xe não bao gồm: Chọc hút ổ áp xe: áp dụng khi ổ áp xe ở sâu bên trong tổ chức não, có nhiều ngăn, tình trạng của người bệnh đã trở nặng. Phương pháp này thường không triệt để và dễ tái phát; Dẫn lưu ổ áp xe: áp dụng khi ổ áp xe ở ngoài màng cứng, dưới màng cứng với kích thước lớn; Loại bỏ hoàn toàn ổ áp xe: áp dụng trong trường hợp bọc áp xe có bao xơ chắc nằm sâu bên trong não, vết thương hỏa khí gây ra áp xe não, có thể có mảnh xương hoặc dị vật khác trong ổ áp xe. Đây là phương pháp điều trị triệt để nhưng lại gây nhiều tổn thương cho tổ chức não lành và có nguy cơ gây thủng vỡ bọc áp xe.