Nguyên nhân mắc áp xe não
Nguyên nhân gây áp xe não thường gặp nhất là vi khuẩn sinh mủ (Bacteroides, liên cầu, tụ cầu, Enterobacteriace), ít hơn có nấm (Aspergillus), kí sinh trùng (Toxoplasma gondii).
Con đường hình thành áp xe não: từ những ổ nhiễm trùng kế cận sọ não (viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm mủ dưới màng cứng, viêm màng não); từ vết thương, vết mổ sọ não; từ đường máu mang mầm bệnh tới mô não (trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh tim bẩm sinh có shunt phải sang trái, tiêm chích ma túy), nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Ai có nguy cơ bị mắc áp xe não?
Gần như bất cứ ai cũng có thể bị áp xe não, nhưng một số nhóm người nhất định có nguy cơ cao hơn những người khác như:
- Hệ thống miễn dịch bị suy giảm do HIV hoặc AIDS
- Ung thư và các bệnh mãn tính khác
- Bệnh tim bẩm sinh
- Chấn thương đầu hoặc vỡ hộp sọ
- Viêm màng não
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, như những thuốc điều trị ung thư
- Xoang mạn tính hoặc viêm tai giữa
- Một số dị tật bẩm sinh tạo điều kiện cho vi khuẩn/nấm/virus di chuyển đến não dễ dàng hơn thông qua răng và ruột như tứ chứng Fallot ...
Biểu hiện bệnh áp xe não
Triệu chứng thần kinh: nổi bật là tình trạng đau đầu, nôn buồn nôn, liệt chi, co giật (hiệu ứng khối choán chỗ gây tăng áp lực nội sọ) diễn biến tăng dần từ vài ngày đến vài tuần. Người bệnh có thể tiến triển nặng tới hôn mê, phù não, nguy cơ tụt kẹt não gây chết não.
Triệu chứng toàn thân: sốt, mệt mỏi, thường không diễn biến quá rầm rộ, xu hướng giảm dần nếu khối áp xe khu trú hoàn toàn.
Chẩn đoán bệnh áp xe não như thế nào?
Chẩn đoán: dựa vào khám lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não để phát hiện khối áp xe. Chọc dịch não tủy thắt lưng có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, nhưng chỉ định bị hạn chế nếu người bênh có phù não, tăng áp lực nội sọ nhiều do nguy cơ gây tụt kẹt não.
Chẩn đoán phân biệt: nhồi máu não, xuất huyết não, u não, nang màng nhện…
Điều trị bệnh áp xe não
Điều trị nội khoa: kháng sinh (hoặc thuốc kháng nấm, kí sinh trùng), thời gian điều trị kéo dài 4-8 tuần, điều trị hỗ trợ: chống phù não, chống co giật, chống viêm, giảm đau hạ sốt, cân bằng dịch, dinh dưỡng, điện giải.
Điều trị can thiệp nếu có chỉ định: Người bệnh hôn mê, co giật, ứ đọng đường thở cần được thở máy qua nội khí quản bảo vệ đường thở, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm duy trì an thần giảm đau đường tĩnh mạch, phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe.
Tiên lượng bệnh áp xe não
Bệnh nhân chỉ có một ổ áp xe, kích thước nhỏ, vi khuẩn gây bệnh nhạy cảm nhiều kháng sinh, chưa có biến chứng phù não, ít bệnh nền: tiên lượng thường tốt, đáp ứng điều trị nội khoa.
Bệnh nhân có nhiều ổ áp xe hoặc áp xe quá lớn gây đè đẩy chèn ép não lành, phù não gây tụt kẹt não, hôn mê sâu, bệnh nhân nhiều bệnh lý nền, vi khuẩn gây bệnh đề kháng nhiều kháng sinh: tiên lượng xấu gần như là 100%, tỷ lệ tử vong cao, nếu đỡ thì vẫn để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề.
Áp xe não là tình trạng nhiễm trùng khu trú thành ổ mủ trong nhu mô não
Phòng bệnh áp xe não
Một số áp xe não có liên quan đến vệ sinh răng miệng kém hoặc nhiễm trùng xoang phức tạp. Người bệnh nên dùng chỉ nha khoa hàng ngày, đánh răng đúng cách và thường xuyên đến nha sĩ để phòng ngừa và điều trị các bệnh răng miệng sớm và triệu để.
Điều trị nhiễm trùng xoang bằng thuốc thông mũi. Nếu các triệu chứng của xoang hoặc nhiễm trùng răng vẫn tồn tại dai dẳng, người bệnh cần đến cơ sở Y tế khám và sử dụng thuốc.
Người bệnh bị nhiễm HIV nếu không được điều trị thì có nguy cơ cao mắc áp xe não. Do đó, cần phòng tránh nhiễm HIV bằng cách quan hệ tình dục an toàn. Nếu bị nhiễm HIV, người bệnh cần uống thuốc chống virus thường xuyên sẽ giảm đáng kể khả năng bị áp xe não.