Áp xe hậu môn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

02-09-2024 06:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Áp xe hậu môn là một diễn biến cấp tính của viêm vùng da quanh hậu môn tạo thành các ổ mủ (nhọt lớn) nằm xung quanh, do sự nhiễm trùng từ các tuyến trong ống hậu môn.

Điều trị áp xe hậu mônĐiều trị áp xe hậu môn

SKĐS - Áp xe hậu môn thường gây đau đớn, sốt và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Việc phát hiện và điều trị kịp thời giúp giảm các biến chứng nguy hiểm...

Áp xe hậu môn là bệnh thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng. Nếu không được điều trị đúng cách, khối áp xe có thể phát triển to và lan lên các khoang kế cận của vùng hậu môn trực tràng. Đôi khi có thể tiến triển nặng thành nhiễm trùng toàn thân.

Khi đã được chẩn đoán chính xác thì việc điều trị duy nhất là phẫu thuật càng sớm càng tốt. Tỉ lệ khoảng 40 - 50% trường hợp áp xe hậu môn chuyển thành rò hậu môn dù có can thiệp phẫu thuật.

1. Nguyên nhân gây áp xe hậu môn

Nguyên nhân chủ yếu gây áp xe hậu môn là vi khuẩn đường ruột gram âm, vi khuẩn tụ cầu, vi khuẩn sống trong lòng ruột già hoặc sống ở ngoài da vùng mông. Đôi khi, những tổn thương ngoài da, vết nứt hậu môn cũng là nguyên nhân khởi phát nhiễm trùng hậu môn bởi nó tạo điều kiện cho các vi khuẩn lây nhiễm gây bệnh.

2. Dấu hiệu của bệnh áp xe hậu môn

Áp xe được phân loại dựa theo vị trí hình thành, liên quan đến cấu trúc xung quanh trực tràng và hậu môn, bao gồm:

Áp xe quanh hậu môn: Đây là loại phổ biến nhất, chiếm đến 60% các trường hợp mắc phải. Áp xe quanh hậu môn thường xuất hiện ở dạng mủ dưới da, sưng đau, có màu đỏ và cảm giác ấm khi chạm vào.

Áp xe hố ngồi – trực tràng: Đây là loại áp xe phổ biến thứ hai, hình thành do sự chèn ép xuyên qua cơ thắt hậu môn bên ngoài, đi vào bên trong trực tràng. Trong một số trường hợp, áp xe có thể lan sang khoang sâu phía sau hậu môn, đi vào phía bên cạnh tạo thành áp xe móng ngựa.

Áp xe giữa các cơ thắt: Đây là kết quả của sự chèn ép giữa cơ thắt bên trong và ngoài hậu môn. Loại áp xe này có thể nằm hoàn toàn trong ống hậu môn, gây triệu chứng đau dữ dội, chỉ được phát hiện khi khám trực tràng hoặc nội soi kỹ thuật số.

Áp xe trên cơ thắt: Đây là loại ít phổ biến nhất, gây đau vùng chậu và trực tràng, thường được chẩn đoán bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT).

Áp xe hậu môn có thể dễ dàng được nhận biết thông qua một số triệu chứng phổ biến sau:

  • Đau nhói liên tục hoặc âm ỉ ở vùng hậu môn, có thể kèm theo hiện tượng sưng tấy, đau dữ dội khi đi vệ sinh.
  • Táo bón.
  • Trực tràng tiết dịch bất thường hoặc chảy máu.
  • Sưng hoặc đau vùng da xung quanh hậu môn.
  • Cơ thể mệt mỏi, sốt, ớn lạnh.
  • Sờ thấy khối u sưng đỏ và mềm ở vành hậu môn.
  • Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng (thường xảy ra ở người bị bệnh viêm ruột).

Ở trẻ sơ sinh thì áp xe thường xuất hiện dưới dạng nốt sưng đỏ, mềm ở rìa hậu môn, khiến trẻ quấy khóc, cáu kỉnh vì khó chịu, ngoài ra không có các triệu chứng bất thường khác.

Áp xe hậu môn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Áp xe hậu môn là bệnh thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng.

3. Bệnh áp xe hậu môn có lây không?

Áp xe hậu môn là kết quả của tình trạng nhiễm trùng và tích tụ dịch mủ. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây không phải là bệnh lý lây nhiễm nên không lây.

4. Cách phòng áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn gây đau đớn, khó chịu và thậm chí có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết, bao gồm:

  • Chủ động kiểm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sử dụng bao cao su khi quan hệ, hạn chế tối đa việc quan hệ qua đường hậu môn…).
  • Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ.
  • Điều trị các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến áp xe vùng hậu môn như: Bệnh Crohn, táo bón, viêm loét đại tràng…
  • Thay tã thường xuyên để phòng ngừa bệnh áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, cần lưu ý một số biện pháp phòng tránh một cách hiệu quả như: Ăn ngủ nghỉ sinh hoạt có giờ giấc khoa học, uống nhiều nước, bổ sung thêm thức ăn nhuận tràng, chống táo bón như rau, khoai lang, đu đủ… Kiêng chất kích thích, cay, nóng, không hút thuốc lá, không ngồi lâu. Mặc quần lót có chất liệu vải mềm cotton thấm hút mồ hôi. Không nên quan hệ tình dục qua hậu môn.

5. Cách điều trị áp xe hậu môn

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Nguyên tắc điều trị là:

Điều trị nội khoa được áp dụng khi các trường hợp viêm cạnh hậu môn và ổ áp xe chưa tạo mủ, khi đó các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh; Hạ sốt, dịch truyền; Kháng viêm, giảm đau; Thuốc chống táo bón.

Người bệnh cần dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt và thuốc chống táo bón theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tập thể dục, làm việc nặng, đi bơi để tránh làm ảnh hưởng đến vết thương.

Nên bổ sung các loại chất xơ, thức ăn mềm, vitamin và protein để tăng cường hoạt động của đường ruột.

Nên uống nhiều nước để làm mềm phân đồng thời làm cải thiện triệu chứng của các cơn đau.

Tắm rửa vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ hàng ngày.

Không nên quan hệ tình dục khi bị áp xe hậu môn, nhất là quan hệ tình dục bằng đường hậu môn.

Mặc quần áo bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi.

Theo dõi các dấu hiệu và tái khám ngay khi: Hậu môn sưng đỏ, căng phồng và mất nếp nhăn. Đau rát vùng hậu môn, thậm chí khiến người bệnh đi lại khó khăn và không tự ngồi được. Sốt. Vùng hậu môn chảy mủ, mủ có mùi hôi, vàng và đặc.

Can thiệp ngoại khoa để tháo mủ, nạo sạch ổ áp xe, dẫn lưu ổ mủ.

Tái khám sau 1 tháng để đánh giá ổ áp xe, rò hậu môn có hình thành hay không và tư vấn bệnh nhân điều trị cắt đường rò hậu.

Tóm lại: Điều trị áp xe hậu môn không quá khó khăn, tuy nhiên bệnh dễ tái phát nếu không chăm sóc tốt. Nếu gặp phải các dấu hiệu bệnh trên, hãy sớm tới cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị, tránh để lâu vừa ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống vừa có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu mônBài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn

SKĐS - Áp xe hậu môn gây đau đớn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Để làm giảm triệu chứng, người bị áp xe hậu môn nên thực hiện đều đặn một số bài tập dưới đây.


BS Nguyễn Nga
Ý kiến của bạn