Cách phát hiện
Áp-xe gan đường mật có thể do rất nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó 2 nguyên nhân chính là:
Do sỏi mật: Thường gặp ở người lớn do sỏi làm tắc mật và gây viêm đường mật dẫn đến làm mủ và tạo ổ áp-xe.
Do giun: Hay gặp ở trẻ em. Giun lên đường mật gây viêm đường mật và áp-xe.
Bệnh thường khởi phát đột ngột, tự nhiên xảy ra mà không có một dấu hiệu nào báo trước hoặc có thể xuất hiện sau khi ăn nhiều dầu mỡ; với các biểu hiện như đau, sốt, vàng da, vàng mắt. Ở người lớn, bệnh nhân thường bị sốt cao, thể trạng suy sụp nhanh, có khi mê sảng, huyết áp hạ, kèm theo dấu hiệu nhiễm khuẩn máu, vàng da, đi tiểu ít.
Sỏi làm tắc mật và gây viêm đường mật dẫn đến làm mủ và tạo ổ áp-xe.
Ở trẻ em do không có sỏi làm tắc ống mật nên không thấy triệu chứng vàng da, bilirubin máu không tăng cao nhưng có sốt do giun chui vào ống mật gây nên những cơn đau dữ dội. Ấn vào dưới mũi xương ức làm bệnh nhân đau, điểm này tương ứng với điểm phân thùy 2 của gan, nơi giun hay chui lên. Sau khoảng 1-2 tuần, cơn đau giảm nhưng vẫn sốt cao, sốt dai dẳng hàng tháng, thở nông nên dễ nghĩ đến thâm nhiễm bệnh lao; chân bị phù, tiểu ít nên tưởng là bị viêm thận; da xanh xao, gầy còm, mặt và chân phù thường nghĩ tới tình trạng suy dinh dưỡng.
Nếu không được điều trị hoặc không đáp ứng sẽ chuyển thành giai đoạn áp-xe gan mật quản thường vào tuần thứ hai, với triệu chứng nhiễm khuẩn ngày càng nặng với sốt cao kèm rét run. Tắc mật ngày càng nhiều với vàng da, vàng mắt đậm. Gan to nhanh, rất đau, có điểm đau khu trú nhiều chỗ. Ngoài ra còn có thể có túi mật to, đau hoặc dấu hiệu tổn thương ống mật chủ, tụy.
Chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng như trên kết hợp với xét nghiệm cùng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Chính vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ như sốt cao, đau, vàng da, vàng mắt... cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Những biến chứng
Biến chứng của áp-xe gan đường mật thường nhiều và nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong đó biến chứng hay gặp nhất là chảy máu đường mật. Điều trị chảy máu đường mật bằng cách mở ống mật chủ lấy bỏ dị vật rồi bơm rửa. Trường hợp còn chảy máu thì thắt động mạch gan nếu không khu trú được vị trí chảy máu, có thể thắt thùy gan trái hay tiểu thùy gan phải nếu khu trú được vị trí chảy máu. Nếu cắt toàn bộ gan phải thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao vì thể trạng bệnh nhân đã yếu sẵn. Có thể luồn ống thông vào động mạch gan để nút mạch.
Ngoài ra, biến chứng áp-xe gan đường mật vỡ vào ổ bụng có thể gây ra áp-xe dưới cơ hoành hay viêm toàn bộ màng bụng. Áp-xe gan đường mật vỡ vào lồng ngực thường gây tử vong cao. Áp-xe gan đường mật có khi gây rò làm thông ống mật với phế quản hoặc gây áp-xe dưới cơ hoành, thủng cơ hoành rồi thông với phế quản.
Áp-xe gan đường mật có thể gây viêm mủ màng tim vì áp-xe gan đường mật thường nằm ở thùy trái của gan nên có thể gây thủng cơ hoành và vỡ vào ở màng tim. Diễn biến thường xảy ra đột ngột trên bệnh nhân đang được theo dõi áp-xe gan trái, phần lớn các trường hợp đều bị tử vong do không kịp xử trí can thiệp.
Điều trị và dự phòng
Điều trị ngoại khoa khó thực hiện vì bệnh nhân đau trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng có thể có choáng, hơn nữa ở đây có nhiều ổ áp-xe kích thước nhỏ có thể nằm sâu khó có thể phát hiện hoặc loại bỏ. Nói chung phẫu thuật chủ yếu nhằm loại bỏ các tắc nghẽn cơ học như giun hoặc sỏi.
Để dự phòng, cần duy trì một chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, định kỳ 6 tháng đến 1 năm tẩy giun một lần để hạn chế các yếu tố thuận lợi cho bệnh lý viêm nhiễm đường mật xảy ra.