Đây là bệnh nhiễm khuẩn gan mật thường gặp ở Việt Nam. Bệnh do khối mủ nằm khu trú trong nhu mô gan. Áp-xe gan có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên: do vi khuẩn, do ký sinh trùng đường ruột gồm amip và sán lá gan lớn, trong đó nguyên nhân do amip là chủ yếu.
Amip là một loại ký sinh trùng, sau khi nhiễm amip, nó có thể cư trú tại đại tràng để gây bệnh hoặc chui qua niêm mạc đại tràng để đi đến các cơ quan khác gây bệnh. Gan là cơ quan đầu tiên amip trú ngụ, do đó gan là cơ quan amip hay gây bệnh nhất sau đại tràng. Sau khi đi qua niêm mạc đại tràng vào máu, amip đi theo các tĩnh mạch mạc treo đại tràng vào gan và gây ra tắc các vi mạch hình thành nên các vi huyết khối. Các vi huyết khối này sẽ bị hoại tử, nhiều ổ hoại tử sẽ hợp với nhau thành ổ áp-xe. Áp-xe gan do amip thường chỉ có một ổ và nằm ở gan phải nhưng đôi khi cũng có 2 hoặc 3 ổ và ở thùy gan trái nhưng ít hơn. Bệnh này gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới tới 3 - 4 lần. Tuổi mắc bệnh nhiều nhất là 30 - 50 tuổi.
Các biểu hiện của bệnh
Sốt: Là dấu hiệu đầu tiên hay gặp nhất, người bệnh có khi sốt cao, có người sốt ít thoáng qua, nhưng thường người bệnh cảm nhận được mình sốt. Sốt cao 39 - 40oC hoặc sốt nhẹ 37o5 - 38oC. Sốt từng cơn hoặc âm ỉ khoảng 5 - 7 ngày, có khi lại kéo dài hàng tháng.
Đau hạ sườn phải: Xuất hiện sau khi sốt được vài ngày, nhưng cũng có khi xuất hiện cùng với sốt. Mức độ đau khác nhau tùy theo từng người. Người bệnh thấy nằng nặng, tưng tức bên mạng sườn phải, có người nhận thấy đau nhói, căn cắn từng lúc một, kiểu đau này ngày một tăng lên. Nặng hơn nữa là đau tăng lên khi thở ra hít vào và khi ho, nhất là khi thay đổi tư thế, đau xuyên lên vai.
Gan to và đau: Dấu hiệu này người bệnh ít khi tự nhận thấy. Khi người thầy thuốc thăm khám mới phát hiện được gan to, nhưng gan không to nhiều, chỉ khoảng 3 - 4cm dưới bờ sườn phải, gan mềm, nhẵn và ấn vào rất đau. Đôi khi người bệnh tự ấn vào các kẽ khoang liên sườn có những điểm đau chói tương xứng với ổ mủ bên trong gan. Trong một số trường hợp điển hình, người ta thấy vùng này sưng lên, da phù nề và đỏ. Sờ thấy nóng hơn chỗ da khác mà chính người bệnh cũng nhận thấy được. Đây là dấu hiệu điển hình của áp-xe.
Ngoài 3 dấu hiệu kể trên, người bệnh có thể gặp:
- Rối loạn tiêu hóa: Trước hoặc khi người bệnh đang sốt, phân lỏng hoặc đi ngoài nhày máu mũi.
- Ăn kém do mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon. Sút cân. Có thể có khó thở, nhưng nhẹ do đau ở hạ sườn phải hoặc có tràn dịch màng phổi phải vì ổ áp-xe nằm ở vị trí gần sát màng phổi, gây phản ứng viêm nhưng tràn dịch không nhiều.
- Những dấu hiệu hiếm gặp như phù chân và bụng có dịch do nhiễm khuẩn lâu ngày gây suy dinh dưỡng.
Nếu người bệnh có những dấu hiệu bệnh nhẹ hoặc chủ quan không đi khám bệnh, tự uống thuốc hoặc người bệnh có đi khám nhưng chẩn đoán chưa chính xác, không được điều trị đúng, kịp thời để bệnh diễn biến phức tạp, dẫn đến nhiều biến chứng - có những trường hợp đến khám vì biến chứng. Nhưng cũng có trường hợp được điều trị kịp thời cũng xảy ra biến chứng là do ổ áp-xe quá to hoặc nằm nông ngay trên mặt gan.
Tổn thương do ổ áp-xe gan (x). |
Những biến chứng hay gặp
- Biến chứng do vỡ ổ áp-xe hay gặp nhất và nguy hiểm nhất. Vỡ vào màng tim, khi vị trí ổ áp-xe nằm ở gan trái, bệnh nhân đột ngột khó thở, tím tái, vã mồ hôi, nghe tiếng tim mờ, nếu không bệnh nhân chết vì bị ép tim cấp. Vỡ vào ổ bụng gây nhiễm trùng toàn ổ bụng gọi là viêm phúc mạc: Đột nhiên bệnh nhân đau toàn bụng dữ dội, sốt tăng lên, bụng cứng. Cần phải kịp thời dẫn lưu ổ bụng hoặc phải mổ cấp cứu đề phòng bệnh nhân chết vì choáng nhiễm khuẩn. Vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc khu trú do các mạch nối và các tạng bao vây tạo nên ổ mủ khu trú. Ngoài ra, ổ áp-xe có thể vỡ vào ống tiêu hóa như dạ dày, đại tràng làm người bệnh nôn ra mủ, ỉa ra máu hoặc vỡ vào cơ thành bụng gây áp-xe cơ thành bụng hoặc tạo thành lỗ dò chảy mủ.
- Biến chứng tiếp do mưng mủ kéo dài làm người bệnh suy kiệt.
Những xét nghiệm cần làm để xác định bệnh: Công thức máu: bạch cầu tăng, máu lắng tăng. Chụp phổi: cơ hoành phải bị đẩy cao lên hoặc có tràn dịch màng phổi phải, nhưng tràn dịch ít. Siêu âm gan cho thấy 1 vòng loãng siêu âm dạng dịch lỏng, kích thước, số lượng và vị trí của ổ. Xét nghiệm các phản ứng huyết thanh dương tính với amip.
Điều trị áp-xe gan do amip
Hiện nay chủ yếu là điều trị nội khoa, dùng thuốc đơn thuần hoặc phối hợp với chọc hút mủ. Nếu dùng đầy đủ và đúng cách thì không có tái phát và tỷ lệ tử vong gần như không có. Trừ một số trường hợp đặc biệt đã điều trị bằng thuốc và phối hợp chọc hút đúng cách nhưng mủ không giảm, kích thước ổ mủ không nhỏ đi, bệnh nhân vẫn sốt ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân nên có chỉ định phẫu thuật.
Các thuốc điều trị nội khoa: thuốc chống amip: metronidazol: dùng đường uống hoặc tiêm 1,5 - 2g/ngày trong 8 - 10 ngày. Cloroquin (delagyl) 0,4g/ngày trong 8 - 10 ngày. Dehydro emetin: Trước đây có sử dụng nhưng vì tính độc của emetin với cơ thể người nên hiện nay không sử dụng.
Chọc hút mủ phối hợp: Có thể chọc sớm nếu áp-xe quá to hoặc đe dọa biến chứng. Hoặc chọc muộn sau 5 - 7 ngày điều trị bằng thuốc.
Mổ phối hợp dùng thuốc: Khi có biến chứng nguy hiểm. Dọa biến chứng: nếu không có điều kiện chọc hút. Khi bệnh nhân đến quá muộn. Ổ áp-xe quá to. Dùng thuốc đầy đủ, phối hợp chọc hút mủ mà không có kết quả.
Như vậy, áp-xe gan do amip là bệnh nhiễm khuẩn gan mật cấp tính, bệnh diễn biến tốt nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời bệnh khỏi hoàn toàn.
BS. Bạch Đằng