1. Áp xe gan do nguyên nhân nào?
Áp xe gan là sự tạo các ổ mủ trong nhu mô gan đơn độc hay nhiều ổ. Áp xe gan do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng hai nhóm tác nhân chính thường gặp là do ký sinh trùng (amíp và sán lá gan) và vi khuẩn.
Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể gây áp xe gan theo đường máu (động mạch và tĩnh mạch), theo đường bạch huyết hoặc đường dẫn mật. Một số vi khuẩn thông thường có thể gây áp xe gan. Trong hầu hết các trường hợp, nhiều hơn một loại vi khuẩn được tìm thấy.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ở các nước phát triển, nguyên nhân do vi khuẩn chiếm tỷ lệ hàng đầu. Nhưng nhìn chung trên toàn thế giới, áp xe gan do ký sinh trùng là amip là nguyên nhân phổ biến nhất.
Các ghi nhận cũng cho thấy, nguyên nhân gây nhiễm trùng trong ổ bụng, chẳng hạn như viêm ruột thừa, viêm túi thừa hoặc thủng ruột… cũng có thể là nguyên nhân gây áp xe gan.
Ngoài ra, nhiễm trùng máu, chấn thương làm tổn thương gan cũng có thể gây áp xe gan hoặc áp xe gan cũng có thể do vi sinh vật đi ngược theo đường mật vào gan gây nhiễm khuẩn khu trú gọi là áp xe gan đường mật.
2. Biểu hiện của áp xe gan
- Sốt, sốt kéo dài
Sốt là biểu hiện thường thấy khi mắc áp xe gan. Người bệnh thường nhẹ hoặc vừa, không lạnh run nhưng nếu có bội nhiễm vi khuẩn sẽ khiến người bệnh sốt cao, lạnh run 39°C - 40°C trong giai đoạn cấp tính của bệnh, sau đó sẽ giảm xuống và sốt kéo dài.
- Đau hạ sườn phải
Biểu hiện dễ nhận thấy là người bệnh có biểu hiện đau tức hạ sườn phải, mức độ đau nhiều, tự phát, cảm giác đau như bóp chặt. Đây là biểu hiện do gan bị sưng to, nếu ổ áp xe to cấp tính thì đau lan xuống vùng thượng vị hoặc toàn bộ vùng bụng.
- Biểu hiện buồn nôn, chán ăn, sụt cân
Ngoài ra người bệnh có các biểu hiện đi kèm như: biểu hiện buồn nôn và nôn, chán ăn, sụt cân. Nghiên cứu cho thấy, đau là triệu chứng cơ năng thường gặp nhất khoảng 90%, kế đến là sốt chiếm khoảng 87%, nôn ói khoảng 85%, sụt cân khoảng 45%.
Nếu người bệnh có biểu hiện vàng da là có nguyên nhân áp xe gan do vi khuẩn, thường kín đáo hoặc rõ tình trạng tắc mật và đôi khi có tràn dịch màng phổi phải.
Áp xe gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó vỡ áp xe là một biến chứng thường thấy. Cụ thể: vỡ áp xe vào màng ngoài tim, vỡ áp xe vào phổi và màng phổi, vỡ ống tiêu hóa, nhiễm trùng ổ bụng, … ngoài ra còn có thể ăn mòn cơ hoành, gây ra tràn dịch màng phổi, phù thũng, viêm phổi, viêm màng ngoài tim, rò nhiều màng phổi hoặc rò tá tràng.
3. Chẩn đoán và điều trị áp xe gan
Chẩn đoán lâm sàng là bác sĩ dựa vào các biểu hiện lâm sàng và sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết như. Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, chụp Xquang ngực, siêu âm, chụp CT… để xác định bệnh.
Về điều trị áp xe gan, tùy từng trường hợp mà có chỉ định cụ thể. Nhìn chung điều trị theo nguyên tắc dùng kháng sinh phổ rộng phối hợp điều trị trong thời gian 4-6 tuần. Ngoài ra tùy vào tính chất kích thước khối áp xe gan mà có thể có chỉ định chọc hút hoặc dẫn lưu khối áp xe gan hoặc phẫu thuật.
Tóm lại: Áp xe gan là một bệnh khá phổ biến ở tất cả các nước có khí hậu nhiệt đới. Đây là một bệnh nặng, có tỷ lệ tử vong cao, bệnh có xu hướng ngày càng tăng mặc dù trình độ vệ sinh đã được nâng cao và các kháng sinh đã được sử dụng khá rộng rãi. Để phòng ngừa bệnh áp xe gan, mọi người cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại thức ăn sống như nem, gỏi, tiết canh... Không uống nước chưa được đun sôi như nước lã ao, hồ, suối... Không ăn rau sống chưa được rửa sạch.
Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi nghi ngờ bị áp xe gan, nên khám bệnh sớm nhất để theo dõi và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm như vỡ ổ áp xe gan, nhiễm trùng ổ bụng …
Nếu nghi ngờ hoặc có biểu hiện áp xe gan cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Mời độc giả xem thêm video:
Uống rượu bia sau bao lâu cơ thể mới hết nồng độ cồn?