Áp-xe gan, càng xử lý sớm càng tốt

18-09-2019 17:55 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Áp-xe gan là sự mưng mủ trong tổ chức gan. Ổ mủ có thể to hoặc nhỏ, đơn độc hay nhiều ổ mủ khác nhau.

Áp-xe gan là một bệnh rất nguy hiểm vì sẽ gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc tế bào gan và có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng gây tử vong nếu bệnh nhân đến muộn... Chính vì vậy, việc phát hiện sớm để điều trị đúng kịp thời là rất quan trọng.

Sốt cao liên tục, đau âm ỉ ở hạ sườn phải không ngờ là bệnh trọng

Mới đây, bệnh nhân N.V H., 40 tuổi ở Đan Phượng, Hà Nội nhập viện với triệu chứng sốt cao liên tục 38-39oC. Bệnh nhân cho biết, cách đây mấy ngày, bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, sau đó bệnh nhân thấy hơi đau ở bụng, đau hạ sườn phải âm ỉ... nên được người nhà đưa vào bệnh viện. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khám và hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp-xe gan phân thùy VII và điều trị kháng sinh theo dõi trước thực hiện kỹ thuật chọc dẫn lưu ổ áp-xe.

Sau 7 ngày điều trị tích cực tại Khoa Ngoại (Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội), bệnh nhân H. đã cắt được sốt, đỡ đau tức hạ sườn phải và được chỉ định chọc dẫn lưu ổ áp-xe gan. Quá trình chọc hút diễn ra thuận lợi và đạt được hiệu quả cao (hút ra được 50ml dịch mủ đục, sau hút bệnh nhân ổn định, không còn sốt),... sau đó bệnh nhân được xuất viện về nhà. Đây chỉ là một trong những trường hợp thấy sốt tự điều trị ở nhà nhập viện khi tình trạng bệnh đã nặng.

Ổ áp-xe gan nếu không được xử lý sớm có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng.

Ổ áp-xe gan nếu không được xử lý sớm có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng.

Nguyên nhân nào gây áp-xe gan?

Áp-xe gan có nhiều nguyên nhân khác nhau như do vi khuẩn, ký sinh trùng (lỵ amíp, vi nấm). Tuy vậy, người ta nghiên cứu thấy rằng trong các nguyên nhân gây áp-xe gan thì nguyên nhân do vi khuẩn chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 80% các trường hợp áp-xe gan), trong khi đó nguyên nhân do lỵ amíp chỉ chiếm 10% và do nấm cũng có tỷ lệ tương tự như lỵ amíp.

Lý do để vi khuẩn hoặc ký sinh trùng vào được trong gan gây nên áp-xe có thể do vi khuẩn theo đường máu (động mạch và tĩnh mạch cửa), bạch huyết và đường dẫn mật. Hầu hết các loại vi khuẩn hoặc ký sinh trùng đều xuất phát điểm là từ các ổ nhiễm khuẩn có sẵn hiện đang tồn tại trong cơ thể như mụn, nhọt, các ổ áp-xe (áp-xe cơ, cơ hoành, áp-xe phổi...). Ngoài ra cũng có thể là áp-xe gan do vi sinh vật đi ngược theo đường mật vào trong gan gây nhiễm khuẩn khu trú.

Dấu hiệu nhận biết

Điển hình nhất trong bệnh áp-xe gan là sốt, ớn lạnh. Sốt có thể lên đến 39 - 40oC trong giai đoạn cấp tính nhưng sau đó có thể sốt nhẹ nhưng kéo dài nhiều ngày, kèm theo sốt là đau bụng. Đau bụng thường dữ dội, đau chủ yếu ở vùng dưới sườn bên phải, nếu ổ áp-xe to cấp tính thì đau có thể lan rộng cả thượng vị hoặc khắp bụng.

Do gan bị sưng to nên làm người bệnh có cảm giác căng, tức, nặng ở vùng dưới sườn bên phải. Cũng do gan to ra đẩy cơ hoành lên cao nên bệnh nhân cũng có hiện tượng khó thở. Nếu thăm khám thì khi sờ, nắn vào vùng gan (ở kẽ liên sườn 11-12) bệnh nhân thấy đau tăng lên; gõ vùng gan thấy đục rõ và cũng có thể sờ thấy mép của bờ gan to ra.

Nếu làm dấu hiệu “rung gan” bệnh nhân kêu rất đau. Chụp ổ bụng không chuẩn bị có thể thấy hình ảnh bờ cơ hoành bên phải của vòm hoành cao lên (vòm hoành cao lên nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ sưng lên của gan). Siêu âm gan cho kết quả khá rõ ràng, đặc biệt là các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Người ta cũng có thể chụp Xquang phổi, nếu có tràn dịch màng phổi sẽ thấy mức nước, mức hơi hoặc hiện tượng thâm nhiễm đáy phổi phải. Trong những trường hợp đặc biệt, tại cơ sở y tế đủ điều kiện người ta có thể chọc thăm dò sinh thiết gan để làm xét nghiệm. Trên cơ sở các kết quả của xét nghiệm và cận lâm sàng có được, bác sĩ lâm sàng có thêm những thông tin cần thiết giúp cho chẩn đoán áp-xe gan chính xác hơn.

Một số trường hợp áp-xe gan không được chẩn đoán sớm có thể vỡ ra gây nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc vỡ ra rồi chảy vào màng phổi hoặc phổi, màng tim hoặc gây viêm phúc  mạc (viêm màng bụng) cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Áp-xe gan, làm sao tránh?

Tuy tỷ lệ áp-xe gan không phải nhiều, nguyên nhân áp-xe gan chủ yếu là do vi sinh vật nhưng trong hệ vi khuẩn, nhất  là vi khuẩn đường ruột lây lan theo đường dẫn mật chiếm tỷ lệ khá cao, kể cả lỵ amíp. Việc phòng bệnh nói chung là vệ sinh môi trường, vệ sinh hoàn cảnh, vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt.

Tuyệt đối không ăn các loại thịt chưa nấu chín như nem chua, nem chạo, gỏi, tiết canh; không ăn rau sống chưa được rửa sạch, kể cả các loại rau (giá đỗ) ăn kèm khi ăn phở, bún chả; không uống nước chưa đun sôi như nước lã ở sông, suối, ao, hồ ngay cả nước trong chum vại, giếng, bể chứa nước, vòi; không nên dùng nước đá cây và không ăn kem không đạt tiêu chuẩn vệ sinh và không nên uống nước giải khát bán ở vỉa hè; ở những vùng nông nghiệp trồng rau màu không được dùng phân tươi để bón.

Cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn. Những người bị bệnh kiết lỵ (do lỵ amíp) cần được điều trị dứt điểm, không để bệnh trở thành mạn tính rất dễ dẫn đến áp-xe gan, đồng thời phải được quản lý phân thật tốt không để mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh (ngay cả trong gia đình).

Khi có dấu hiệu áp-xe gan cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở chuyên gan mật để kiểm tra và làm các xét nghiệm chuyên sâu điều trị kịp thời.


BS. Bùi VănThu
Ý kiến của bạn