Mùa hè nóng bức, ra nhiều mồ hôi nên dễ bị mụn nhọt trên da. Áp-xe cơ là tổn thương tạo thành bọc mủ trong cơ vân, thường xuất hiện sau viêm nhiễm ở da, vết thương... Bệnh nguy hiểm ở chỗ có thể gây nhiễm khuẩn máu dẫn đến tử vong.
Biểu hiện bệnh thế nào?
Ở những người đang và sau khi mắc các bệnh kể trên, nếu bị áp-xe cơ sẽ có biểu hiện như sau: sưng cơ, vùng da trên ổ áp-xe cơ có thể đỏ hoặc đau nhẹ. Từ 2 - 4 tuần sau thấy cơ sưng tấy đỏ rất đau, cảm giác bùng nhùng khi ấn, chọc hút ra mủ. Giai đoạn cuối xuất hiện các biến chứng như áp-xe ở nơi xa khác, viêm khớp lân cận, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn...
Thiết đồ tổn thương áp-xe cơ.
Hội chứng nhiễm khuẩn gồm các triệu chứng: sốt cao 39 - 40oC, sốt liên tục, dao động. Bệnh nhân bị gầy sút, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn. Nếu xét nghiệm máu thấy: tăng số lượng bạch cầu, tăng tỷ lệ bạch cầu trung tính; tăng tốc độ máu lắng, tăng fibrinogen, tăng globulin. Nuôi cấy máu của bệnh nhân phát hiện được vi khuẩn. Siêu âm cơ thấy tổn thương: cơ tăng thể tích, mất cấu trúc sợi cơ; có các ổ trống âm ranh giới rõ ràng. Chọc hút ổ áp-xe: thấy mủ trào ra; xét nghiệm mủ có thể thấy nhiều bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa. Có thể tìm thấy vi khuẩn gây bệnh qua soi trực tiếp hoặc nuôi cấy mủ. Chụp cộng hưởng từ khi bị áp-xe cơ ở chi hoặc cơ thắt lưng chậu thấy hình ảnh tổn thương của ổ áp-xe.
Nếu bị áp-xe cơ thắt lưng chậu thấy các triệu chứng: sưng đau vùng có ổ áp-xe. Viêm cơ thắt lưng chậu thường xảy ra sau các nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu sinh dục hoặc các phẫu thuật ở vùng bụng, thường do vi khuẩn lao hoặc do vi khuẩn sinh mủ với biểu hiện: đau ở vùng hạ sườn, không duỗi được chân bên có cơ bị viêm, trong khi đó, khám khớp háng vẫn bình hường. Chẩn đoán hình ảnh vùng cột sống thắt lưng có thể thấy rõ bóng cơ thắt lưng chậu, bóng khí, hình ảnh canxi hóa tại ổ áp-xe. Chụp cắt lớp vi tính phát hiện sớm tổn thương, thấy khí tại vùng cơ do ổ áp-xe tạo ra.
Bệnh áp-xe cơ cần phân biệt với một số bệnh khác như: u cơ, bệnh sarcom ở cơ có triệu chứng cơ sưng to nhưng không có triệu chứng viêm nóng đỏ đau.
Điều trị ra sao?
Điều trị áp-xe cơ là phải dùng kháng sinh sớm, mạnh, liều cao, tốt nhất là dùng kháng sinh dựa theo kháng sinh đồ. Thường phải chọc hút dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật dẫn lưu ổ mủ. Nâng cao thể trạng cho bệnh nhân bằng chế độ dinh dưỡng giàu đạm, bổ sung các loại vitamin C, nhóm B. Theo dõi sát để kịp thời chống sốc nhiễm khuẩn. Khi chưa có kết quả kháng sinh đồ, có thể dùng các loại thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng. Phối hợp điều trị triệu chứng: hạ sốt giảm đau dùng paracetemol, aspirin...
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh áp-xe cơ thường gặp nhất vào mùa hè, ở trẻ em và người già do nắng nóng gây suy giảm sức đề kháng. Hơn nữa, thời tiết nóng làm ra nhiều mồ hôi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trên da phát triển và gây bệnh. Vì vậy, trẻ em và người già trong những đợt nắng nóng nên tránh ra nắng, ở trong phòng thoáng mát, ăn uống điều độ đủ chất, tắm rửa hàng ngày để giữ cho da sạch tránh mụn nhọt phát triển. Đối với những người đang bị mụn nhọt, có vết thương trên da, người đang bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, tiết niệu, bệnh đái tháo đường, cơ thể suy kiệt... cần điều trị tích cực bệnh chính, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tăng cường ăn trái cây chín các loại để nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh áp-xe cơ có thể phát triển trên nền bệnh chính.
Những người đang trong thời gian điều trị bệnh khác theo phương pháp tiêm chích, châm cứu... cần đảm bảo vô khuẩn tốt để tránh nhiễm khuẩn và áp-xe cơ qua vết tiêm hay châm cứu.
Ai dễ bị áp-xe cơ?
Những người sau đây dễ bị áp-xe cơ: trẻ em ra nhiều mồ hôi, có nhiều mụn nhọt; người có vết thương trên da bị nhiễm khuẩn; người đang bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, tiết niệu; tiêm bắp thịt không đảm bảo vô khuẩn; bệnh nhân đái tháo đường; bệnh nhân mắc các bệnh luput ban đỏ, viêm đa cơ tự miễn, xơ cứng bì; mắc bệnh ác tính; những người dinh dưỡng kém, cơ thể suy kiệt, người già, trẻ em, người bị suy dinh dưỡng; người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate, corticoid kéo dài...
BS. Nguyễn Minh Hạnh