Theo Nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã thống nhất chủ trương áp dụng biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đề nghị của Bộ Tài chính. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài chính) đã có những trao đổi với báo chí.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng việc áp giá trần đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời điểm này là khó thực hiện, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Có thể nói, thời điểm hiện nay đã hội đủ điều kiện chín muồi để áp dụng giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trên phương diện pháp lý, biện pháp này đã được tính toán, cân nhắc kỹ. Khoản 2, Ðiều 15, Luật Giá đã quy định sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện bình ổn giá. Trong các biện pháp bình ổn giá theo quy định, ở thời điểm hiện nay đã có đủ cơ sở để thực hiện quy định biện pháp đăng ký giá tại Khoản 4, Ðiều 17, Luật Giá và biện pháp quy định giá tối đa theo Khoản 7, Ðiều 17 trong luật này. Theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 18 và Khoản 2, Ðiều 7, Nghị định số 177/2013/NÐ-CP, Chính phủ cũng đã thảo luận và thống nhất cao chủ trương áp dụng một số biện pháp bình ổn giá.
Trên phương diện luật pháp quốc tế, Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) không cấm việc áp dụng biện pháp kiểm soát giá tối đa. Tuy nhiên, GATT khuyến cáo, không phân biệt đối xử và hạn chế tối đa bất lợi đối với lợi ích quốc gia thành viên tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng ta sẽ thực hiện các giải pháp đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để bảo đảm tuân thủ quy định này.
PV: Theo ông, việc tính giá trần có khả thi hay không khi mà hiện nay trên thị trường có hàng trăm mặt hàng sữa?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Trên thị trường có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu sữa với nhiều chủng loại sữa, điều này dẫn đến sẽ có những khó khăn nhất định. Nếu Nhà nước xác định giá trần cho từng sản phẩm sữa thì sẽ khó thực hiện được. Do vậy, có thể chúng ta chỉ cần xác định giá trần đối với một số mặt hàng có tính chất làm chuẩn, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn để xây dựng mức giá chuẩn với các mặt hàng còn lại. Căn cứ giá tối đa ấy sẽ sử dụng để đăng ký và thực hiện. Theo tôi, việc quy định giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi là khả thi và chúng ta có kinh nghiệm về quản lý giá để có thể thực hiện được.
PV: Vậy tác động của việc áp dụng giá trần đối với việc quản lý sữa đến người tiêu dùng sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Trước hết phải khẳng định rằng, bình ổn giá thị trường đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em không chỉ mang lại lợi ích riêng cho người tiêu dùng. Việc có được một thị trường sữa bình ổn giá trước hết giúp cho các doanh nghiệp sữa có thể hoạt động bình thường. Cạnh tranh trong thị trường ổn định, khiến các doanh nghiệp phấn đấu tiết giảm chi phí để vừa có lợi nhuận, vừa mua bán bình thường mà không dẫn đến cạnh tranh không có lợi cho thị trường. Từ đó, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi là có thị trường sữa ổn định không bị “nhảy múa” như báo chí đã từng nói. Khi thị trường sữa được bình ổn sẽ góp phần mang lại lợi ích cho hơn 10 triệu người tiêu dùng có liên quan đến sản phẩm sữa, vì một thế hệ trẻ em phát triển toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, biện pháp này cũng dung hòa được lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Người tiêu dùng hưởng lợi từ việc bình ổn giá. Doanh nghiệp tìm cách tiết giảm chi phí để tăng lợi nhuận, giảm giá bán, mở rộng thị phần, mở rộng đối tượng sử dụng sản phẩm sữa.
PV: Ông có thể cho biết việc áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được áp dụng theo lộ trình như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Lộ trình thực hiện cũng đã được Chính phủ thống nhất chủ trương là quản lý giá tối đa trong thời hạn 12 tháng và đăng ký giá trong thời hạn 6 tháng kể ngày công bố quyết định bình ổn giá. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có trách nhiệm đảm bảo giá bán không cao hơn mức giá bán tối đa đối với những sản phẩm đã công bố và thực hiện đăng ký giá theo quy định.
Dự kiến đối với những sản phẩm còn lại, doanh nghiệp căn cứ tương quan hợp lý về giá bán của sản phẩm này với sản phẩm đã được công bố giá tối đa để xác định giá bán tối đa, gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá và làm căn cứ để thực hiện việc đăng ký giá theo quy định.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng An (ghi)