Hà Nội

Áp thuế suất 5% với phân bón, ĐBQH lo tăng áp lực cho nông dân

24-06-2024 16:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều ĐBQH quan tâm và cho ý kiến về quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 9 dự thảo luật quy định mặt hàng phân bón là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% thay vì 0% như hiện hành.

Chiều 24/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang bày tỏ ý kiến liên quan đến dự thảo luật lần này đã chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang chịu thuế suất 5%. Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Áp thuế suất 5% với phân bón, ĐBQH lo tăng áp lực cho nông dân- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Danh Tú nhận thấy, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

ĐBQH Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho hay, qua tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, các ĐBQH trong Đoàn đều tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri liên quan đến chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển tăng gấp nhiều lần.

Áp thuế suất 5% với phân bón, ĐBQH lo tăng áp lực cho nông dân- Ảnh 2.

ĐBQH Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

Do đó, bà Tô Ái Vang kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. Đại biểu cũng nhận thấy, nếu dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.

Còn ĐBQH Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho hay, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho cạnh tranh với phân bón nhập khẩu; khó khăn về nguồn vốn liên doanh nghiệp không đủ chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.

Áp thuế suất 5% với phân bón, ĐBQH lo tăng áp lực cho nông dân- Ảnh 3.

ĐBQH Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái.

Theo đại biểu, qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi muốn ưu đãi đối với lĩnh vực nào đó sẽ có 2 phương án: đưa vào diện không chịu thuế hoặc áp dụng thuế 0%. Trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón.

Tranh luận với các ĐBQH đã phát biểu trước đó, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp.

Điều này giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho NSNN. Đại biểu cũng nêu rõ, hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan,...

Cần luật hóa để chặn hành vi mua bán thai nhiCần luật hóa để chặn hành vi mua bán thai nhi

SKĐS - Theo ĐBQH, tình trạng mua bán thai nhi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có pháp luật điều chỉnh, do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn