Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm qua (27/11), áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển phía Đông Nam Biển Đông và sáng nay (28/11) đã mạnh lên thành cơn bão số 4 và có tên quốc tế là Sinlaku.
Hồi 7 giờ ngày 28/11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 7 giờ ngày 29/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Đến 7 giờ ngày 30/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ chiều 29/11 ở các tỉnh từ Quảng Ngãi – Khánh Hòa có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7 - 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên từ tối 29/11 có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Sáng nay, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Theo báo cáo nhanh số 502/BC-CQTT của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h ngày 28/11, Biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.420 phương tiện với 171.717 người biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới (hiện đã mạnh lên thành bão số 4) để chủ động di chuyển phòng tránh.
Cụ thể là hoạt động ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có 960 phương tiện với 9.002 người gồm: Quảng Nam: 18 tàu với 570 người; Quảng Ngãi: 187 tàu với 2.580 người; Bình Định: 669 tàu với 5.140 người; Phú Yên: 86 tàu với 712 người; hoạt động ở các khu vực khác và neo đậu tại bến là 30.467 phương tiện với 162.715 người.