Chiều ngày 8/8, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã chia sẻ thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có nguy cơ thành bão. Ông hưởng cho biết, lúc 13h chiều nay (8/8), vùng áp thấp khu vực quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Theo hình ảnh trên mây vệ tinh, vùng mây đối lưu của áp thấp nhiệt đới còn khá phân tán ở các cụm mây phía Tây và phía Đông. Các cụm mây này chưa tiến sát vào nhau để tạo xoáy rõ, do vậy trong 24h tới, khi các vùng mây tiến sát vào nhau, áp thấp nhiệt đới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong vòng 24-36 giờ tới, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão với xác xuất khoảng 60-70%.
Cảnh báo các nguy cơ có thể xảy ra với vùng áp thấp nhiệt đới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, diễn biến áp thấp nhiệt đới này có hướng di chuyển chủ yếu là Đông Bắc. 48-72h tới, sau khi mạnh lên thành bão thì nó có khả năng đổi hướng do có khối không khí ẩm ngoài biển lấn vào, làm thay đổi hướng di chuyển của cơn áp thấp nhiệt đới, chuyển thành hướng Bắc và Tây Tây Bắc (hướng về khu vực biển và đất liền của Việt Nam).
Với diễn biến cường độ và đường đi như vậy, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định trong 24h tới, trên phía Bắc Biển Đông trong đó có vùng biển Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6 cấp 7, sau đó mạnh cấp 8, giật cấp 9, 10. Sóng biển cao từ 4-5m. Khu vực giữa và nam Biển Đông, khu vực biển từ Bình Thuận đến Cà Mau đang chịu ảnh hưởng của gió mà Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh lên với cường độ cấp 6,7, sóng biển cao từ 3-4m.
Ngoài ra Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo vùng biển Trung Bộ từ Quảng Bình đến Bình Thuận, từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông, từ Cà Mau đến Kiên Giang là những vùng có mưa dông mạnh, nhiều khả năng xảy ra các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, gió giật, mưa lớn.
Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai có công văn gửi đơn vị chức năng các tỉnh, thành phố yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên biển.
Địa phương cần kịp thời nắm bắt số lượng các phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm và thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện biết để chủ động phòng tránh; đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đồng thời, các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hai ngệ sỹ Việt ở Tây Ban Nha đã được trả hộ chiếu về nước | SKĐS