Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 13/2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 5-10km/h.
Dự báo đến 13h ngày 14/2, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, khoảng 5 km/h trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Phú Yên với sức gió cấp 6. Vùng ảnh hưởng là phía Tây khu vực Giữa Biển Đông; vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
![Áp thấp nhiệt đới giữa tháng 2 là rất hiếm gặp- Ảnh 2. Áp thấp nhiệt đới giữa tháng 2 là rất hiếm gặp- Ảnh 2.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/13/ap-thap-nhiet-doi-giua-thang-2-173943270719096375924.jpg)
Áp thấp nhiệt đới xuất hiện vào tháng 2 là hiếm gặp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây của khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa); vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Vùng biển phía Tây của khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao 2,0-3,5m.
Từ ngày 14/02, vùng biển ngoài khơi từ Huế đến Bình Định sóng biển cao 2,0-3,0m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, khoảng 5 km/h. Đến sáng mai (14/2) vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc - 110,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
Sau đó áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc tốc độ 5km/h, suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực biển ngoài khơi miền Trung, vùng từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
Ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây của khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa).
Giữa tháng 2 mà Biển Đông vẫn xuất hiện áp thấp nhiệt đới, đây có phải là hiện tượng thời tiết bất thường không? Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, tháng 1-2 khả năng xảy ra áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông là không cao, nếu có thường xảy ra vào tháng khoảng tháng 1, còn tháng 2 là không nhiều.
Thống kê từ năm 1975 tới giờ, bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông vào tháng 2 là các năm 2012 (áp thấp nhiệt đới), năm 2013 và năm 2014. Trong đó, năm 2014 là do cơn bão KAJIKI hoạt động ở khu vực miền Nam của Philippin, sau khi đi vào Biển Đông thì yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Như vậy áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong tháng 2 cũng là sự kiện ít thấy. Những cơn bão/áp thấp nhiệt đới xảy ra trong khoảng tháng 1-2 thường được coi là những cơn bão/áp thấp nhiệt đới rớt của mùa bão năm trước, cũng chưa phải là dấu hiệu báo sự bất thường của thời tiết.
Về mưa lớn bất thường ở Nam Bộ, mùa mưa ở khu vực Nam Bộ thường kết thúc vào cuối tháng 11. Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là giai đoạn mùa khô ở khu vực này. Trong giai đoạn này khu vực Nam Bộ rất ít xảy ra mưa diện rộng. Nếu có chỉ là những cơn mưa cục bộ và xảy ra với lượng không lớn. Đơn cử như năm 2017, lượng mưa ngày tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) đo được là 69.2mm, tại TP.HCM đo được là 41,1mm.
Nguyên nhân của đợt mưa trái mùa này ở khu vực Nam Bộ (tập trung nhiều ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ) là do tác động của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực Giữa của Biển Đông. Dự báo trong khoảng thời gian từ nay đến cuối tháng 2 ở khu vực Nam Bộ vẫn có khả năng xuất hiện mưa trái mùa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 13/2: Xô xát trong cuộc nhậu đêm, gã đàn ông cầm kéo đâm bạn rượu gục tại chỗ ở Thanh Hóa