Có thể mạnh lên thành cơn bão số 9
Ngày 25/10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành công điện gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan ở tỉnh này để ứng phó với thiên tai. Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển nhanh và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Khánh Hòa từ 26/10.
Khánh Hòa yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển của Khánh Hòa khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền (kể cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển vào bờ tìm chỗ tránh, trú bão an toàn. Thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển lưu thông trên biển kể từ 18h ngày 25/10 đến khi kết thúc bão.
Dừng hoạt động tuyến cáp treo Vinpearland kể từ 10h ngày 26/10 cho đến khi kết thúc bão.
Các địa phương ở Khánh Hòa cũng khẩn trương rà soát ngay các khu dân cư, các trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị tại khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ.
Chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đặc biệt, các biện pháp sơ tán dân phải vừa đảm bảo an toàn trong thiên vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Các địa phương ở Bình Định cũng đã lên phương án bảo vệ đời sống người dân ở các nơi nguy cơ, vùng sạt lở. Đặc biệt, do mưa to, kéo nhiều khu vực ở Bình Định bị ngập sâu, gây lở đất. Điển hình như, sáng 25/10, đất đá từ trên núi Bà Hỏa (đường Nguyễn Tất Thành, Quy Nhơn) rơi xuống khiến 3 người bị thương. Nhiều địa bàn khác như xã Phước Thắng, Phước Hòa (huyện Tuy Phước); xã Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát) cũng bị nước dâng cao, ngập sâu.
Tạm cho học sinh nghỉ học để ứng phó bão
Trước nguy cơ của thiên tai, các tỉnh Nam Trung Bộ đã chỉ đạo rà soát lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, chuẩn bị các trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão, mưa lũ gây ra. Bố trí trực ban 24/24h để theo dõi tình hình mưa bão.
Do ảnh hưởng mưa lớn, ghi nhận trong ngày 25/10, tại một số tuyến đường ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) đã ngập sâu, các phương tiện đi lại khó khăn. Nhiều trường học nằm trong vùng trũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học trực tiếp vào ngày 26, 27/10 và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 26-28/10, trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và thượng lưu sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Đỉnh lũ ở sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa), sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), sông La Ngà (Bình Thuận), thượng lưu sông Đồng Nai. Các sông ở Nam Tây Nguyên lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Đồng Nai và khu vực Tây Nguyên. Các địa phương cần triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Nhiều đoạn đường ở Nha Trang bị ngập sâu