Ông Thái Thành Nam - Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn nói rằng, khi bệnh nhân đến bệnh viện điều trị, yêu cầu lành bệnh là chính đáng. Quá trình điều trị không đạt được yêu cầu, khiếu nại cũng là chính đáng. Tuy nhiên, người bệnh cần hiểu và thông cảm có khi họ muốn lành bệnh mười nhưng khả năng thầy thuốc nói riêng, khả năng y khoa nói chung chỉ đến 5-6 thì chưa đáp ứng được mong muốn của người bệnh.
Theo ông Nam, bác sĩ ngoại khoa chịu rất nhiều áp lực khi cầm dao mổ. Để trở thành bác sĩ ngoại khoa giỏi không chỉ đi học rồi mổ xẻ được ngay mà bản thân bác sĩ phải luôn cần mẫn học hỏi, tự rèn luyện tính điềm đạm, cẩn thận, tỉ mỉ và thường xuyên luyện tập thể thao mới cầm dao vững.
Bác sĩ ngoại khoa phải chịu rất nhiều áp lực. Ảnh: QH |
Ông Nguyễn Hoàng Bắc - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM nói, ngành y cũng như các ngành nghề khác, có thành công và có thể có thất bại. Việc điều trị, đặc biệt là phẫu thuật cho bệnh nhân cũng vậy. Không phải cứ mổ là bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn mà trong y khoa có những tỉ lệ rủi ro, tai biến...
Hãy thiết lập nhịp cầu thông hiểu!
Bác sĩ Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM nói, phải hiểu bệnh nhân có đau mới đến bệnh viện, có bệnh mới cần bác sĩ khám. Nếu bác sĩ khám bệnh mà chỉ hỏi qua loa hai, ba câu sẽ gây cho người bệnh cú sốc đầu tiên. Nếu chẩn đoán sai sẽ làm người bệnh thêm cú sốc nữa.
“Đó là sốc đau đớn, sốc trong trái tim thì chắc chắn người bệnh phải đi kiện. Đừng bao giờ trách bệnh nhân. Làm thầy thuốc phải chấp nhận điều đó thì khám bệnh mới tốt được. Nếu khám bệnh mà hạch sách hoặc thờ ơ với bệnh nhân, hay bệnh nhân vừa chửi một cái đã nóng phừng mặt là không được. Nếu làm tốt những việc này, lỡ bác sĩ có sai sót, người bệnh có thể thông cảm được” - BS. Phú chia sẻ những điều ông thường nhắc nhân viên của mình khi làm việc.
Theo BS. Phú, với bệnh nhân có chỉ định mổ càng phải quan tâm hơn đến tâm tư tình cảm người bệnh. Mổ lớn, mổ nhỏ chưa biết thế nào, nhưng cứ nghe nói lên bàn mổ là tim bệnh nhân đã đập liên hồi và trong đầu luôn lo lắng không biết mổ thế nào. Vì thế, thầy thuốc phải tư vấn, giải thích thật rõ ràng, chu đáo, dễ hiểu. Không thể đem thuật ngữ y khoa để nói với người bệnh.
Đặc biệt, bác sĩ phải biết bệnh nhân của mình bao nhiêu tuổi, có bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, suy tim, viêm phổi, đau dạ dày... đi kèm hay không để giải thích những rủi ro, nguy cơ, tỉ lệ thành công và thất bại của cuộc mổ cho người bệnh và thân nhân hiểu rõ. Không nên thúc hối bệnh nhân mổ khi họ còn đang lo lắng, băn khoăn.
Nếu thầy thuốc làm thinh, không giải thích kỹ, bệnh nhân sẽ nghĩ ca mổ thành công 100% và rất dễ dẫn đến khiếu nại nếu không may ca mổ thất bại. Thực tế có khi bệnh nhân không chết vì bệnh được mổ mà tử vong, biến chứng vì những bệnh liên quan, đi kèm.
BS. Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM cũng nói, phần lớn thắc mắc, khiếu nại của bệnh nhân xảy ra do việc tư vấn cho người bệnh, người thân chưa được thấu đáo.
Để tránh khiếu nại, với những ca mổ chương trình, bệnh viện đã tổ chức tư vấn rất kỹ không chỉ cho người bệnh mà còn cả thân nhân. Giải đáp hết tất cả những thắc mắc, băn khoăn để bệnh nhân hiểu phẫu thuật cho họ được tiến hành thế nào, mức độ thành công và biết được điều gì có thể xảy ra. Ví dụ, trong sản khoa, thỉnh thoảng vẫn có ca tử vong mẹ do tai biến thuyên tắc ối. Đây là tai biến không ai lường trước được, khiến sản phụ có thể chết ngay trên bàn sinh. Nếu người nhà không biết về tai biến này sẽ vô cùng bàng hoàng, bức xúc.
Lê Thanh Hà