Áp lực tăng lãi suất cuối năm có đáng lo ngại?

20-11-2024 07:00 | Thị trường
google news

Sau giai đoạn chững lại vào tháng 10, lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng có xu hướng tăng trở lại kể từ đầu tháng 11 đến nay.

Áp lực tăng lãi suất cuối năm có đáng lo ngại?- Ảnh 1.

Hoạt động nghiệp vụ tại Sở giao dịch BAOVIET Bank. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Ngoài áp lực thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng mùa vụ cuối năm, việc tỷ giá nổi sóng gần đây được cho là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng đồng loạt tăng biểu lãi suất tiền gửi. Dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo vẫn duy trì ở mức ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm.

Lãi suất huy động đồng loạt tăng

Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng kể ngày 19/11. Theo đó, VIB tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng lên 3,6%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,7%/năm và kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 3,9%/năm. Mức lãi suất này chưa bao gồm lãi suất cộng thêm 0,3-0,5%, dành cho từng gói khách hàng.

Đáng chú ý, đây là lần thứ 2 ngân hàng này điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong tháng 11 này. Trước đó, ngày 8/11, VIB đã tăng 0,3%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng và tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-36 tháng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng vừa tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn từ 19/11. Theo đó, HDBank tăng 0,2%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 0,1%/năm kỳ hạn 12-13 tháng. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,3%/năm, 12-13 tháng lần lượt là 5,6% - 5,8%/năm.

Trước đó, ngày 18/11, Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm đối với lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12-60 tháng. Ngân hàng thương mại Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) tăng đồng loạt 0,2%/năm lãi suất cho tất cả kỳ hạn tiền gửi. Đáng chú ý, lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn từ 13-36 tháng tại ngân hàng này lên tới 6,05%/năm.

Ngoài các ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác như Agribank, Techcombank, ABBank, VietBank… cũng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 11 này.

Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), trong tháng 10/2024, lãi suất huy động chững lại khi chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%/năm. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 11, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất đầu vào với mức tăng từ 0,1% - 0,7%/năm. Xu hướng tăng này được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9/2024 đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây được xem là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Ngoài áp lực thanh khoản từ tăng trưởng tín dụng, việc lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng thương mại có xu hướng tăng gần đây còn có nguyên nhân từ biến động tỷ giá. Tỷ giá USD/VND trong vài tuần gần đây đã tăng trở lại gần đạt mức cao nhất vào thời điểm giữa năm 2024, do đồng USD tăng giá mạnh.

Giới phân tích dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 20-50 điểm cơ bản vào cuối năm. Áp lực tỷ giá cùng với sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

Liệu có tăng áp lực lên lãi vay?

Trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng nhích tăng gần đây, nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay có thể tăng theo. Tuy nhiên, các nhận định cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, với mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm, một số ngân hàng thương mại có thể sẽ chủ động tăng lãi suất cho vay ở một số phân khúc khách hàng để đảm bảo thanh khoản. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao, do nhu cầu tín dụng còn yếu, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.

Theo ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, song mặt bằng chung vẫn đang nằm ở mức rất thấp. Hiện ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay và khoảng 14 - 15% trong năm 2025. Chưa kể, với xu hướng giảm lãi suất của Fed, nguồn vốn ở các ngân hàng đang được hỗ trợ thêm từ dòng vốn ngoại, qua đó giúp các ngân hàng duy trì chi phí vốn ổn định hơn trong thời gian tới.

Về lãi suất cho vay, ông Trần Hoài Nam cho rằng, với mức độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và chỉ số lạm phát như hiện nay, thì lãi suất cho vay hiện đang hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp phát triển. Quan trọng là các doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh tốt, thì chắc chắn sẽ có lợi nhuận.

Mặt bằng lãi suất ở các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ổn định, khi mới đây Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định về lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó, quy định cụ thể mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng bằng VND là 0,5%/năm; loại tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, với việc ban hàng quyết định này, cùng các giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, tiếp tục đổi mới mô hình giao dịch và tiết giảm chi phí đầu vào sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng và ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay hoặc giữ ổn định lãi suất cho vay bền vững. Đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tác động tích cực trở lại đối với hoạt động ngân hàng và hiệu quả điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lệnh cho biết, mức lãi suất cho vay thấp, cùng với những chính sách tín dụng hỗ trợ và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi… đang là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng. Trong 2 tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền Âm lịch, tín dụng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Điều này gắn liền với yếu tố mùa vụ do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của kỳ lễ cuối năm và Tết cổ truyền Âm lịch thường tăng cao. Bên cạnh đó, các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và du lịch thường tăng trưởng tốt trong dịp cuối năm cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Trước đó, tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực lên mặt bằng lãi suất; đồng thời nợ xấu đang là trở ngại khiến ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất cho vay.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.


Theo Hứa Chung (TTXVN)
Ý kiến của bạn