Trầm cảm vì áp lực sinh con trai
Mang thai tới lần thứ 5, chị N.T.H ở Hưng Yên lại sinh thêm một bé gái. Trước đó chị đã sinh 4 bé gái an toàn khỏe mạnh. Lần mang thai này chị lo lắng vô cùng. Chồng chị là con trai trưởng, mẹ chồng rất hay ca thán việc phải có cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Trong lần mang thai đầy "kỳ vọng" này, vợ chồng chị đã không để mọi chuyện diễn ra theo tự nhiên mà lên hẳn một kế hoạch cụ thể từ việc ăn uống, ngủ nghỉ tới "canh trứng"…
Đến khi thai được 3 tháng, đi siêu âm biết lại mang thai là gái, chồng chị đã rất chán chường. Áp lực chưa sinh được con trai luôn đặt nặng tâm lý khiến chị không thể ăn ngon, đêm thường xuyên mất ngủ. Cũng vì những căng thẳng đó mà chị lại rơi vào trầm cảm sau sinh.
Chuyện của chị H không phải là cá biệt. Bởi có ró rất nhiều phụ nữ, nhất là vùng nông thôn, áp lực sinh bằng được con trai luôn đè nặng. Chính điều này đã dẫn tới nhiều hệ lụy cho phụ nữ và một trong số đó là bị trầm cảm.
TS. Tạ Hương, Phó Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội (Học viện Hành chính Quốc gia) cho biết, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh, áp lực phải có con trai để "nối dõi tông đường" là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau sinh. Theo thống kê cứ 4 phụ nữ sau sinh là có 1 phụ nữ trầm cảm, tình trạng càng trầm trọng hơn ở lần mang thai thứ 2 trong gia đình đã có con gái trước đó.
Nguy cơ người phụ nữ bị trầm cảm cao gấp 2 lần ở những ông chồng thích thai nhi là con trai so với những trường hợp ông chồng không quan tâm về mặt giới tính.
"Đây là vấn đề cần cảnh báo với xã hội và nâng cao nhận thức cho chính phụ nữ, đồng thời về phía Nhà nước cần có các cơ chế chính sách theo dõi, chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng cho phụ nữ trước và sau sinh tại các cơ sở y tế. Thực tế, hiện vấn đề này chưa được quan tâm và còn là khoảng trống trong cung cấp dịch vụ y tế" – TS Tạ Hương chia sẻ.
Tư tưởng trọng con trai dẫn mất cân bằng giới tính
Việc sinh bằng được con trai để "nối dõi tông đường" không chỉ tạo ra sự mất cân bằng giới tính khi sinh, mà còn áp lực cho người mẹ, tạo gánh nặng cho trẻ trai từ khi còn nhỏ. Phụ nữ khi trầm cảm trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới những suy nghĩ, hành vi tự tử ở người mẹ và gây tổn hại cho con.
Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên hợp quốc, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng dẫn tới nhiều hệ lụy với cá nhân, gia đình và xã hội. Cụ thể:
- Với cá nhân: Từ tâm lý ưa thích con trai và phải có bằng được con trai sẽ gây sức ép lên người phụ nữ, đôi khi dẫn đến nạo phá thai và điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người phụ nữ.
Không chỉ phụ nữ bị áp lực phải sinh con trai mà nam giới cũng bị áp lực từ gia đình, bạn bè, và cộng đồng. Do thiếu hụt phụ nữ nên nam giới đến tuổi kết hôn sẽ không có phụ nữ để kết hôn. Theo báo cáo thì đến năm 2050 ở Việt Nam sẽ có khoảng 2,3-4,3 triệu nam giới không có đủ phụ nữ để kết hôn.
- Với gia đình: Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình đó là không sinh được con trai đáp ứng mong đợi của gia đình nhà chồng.
Công bố của Quỹ Dân số LHQ điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, trong đó có chỉ ra rằng 4.4% phụ nữ VN bị bạo lực trong lúc mang thai và một trong những nguyên nhân là do mang thai gái.
- Với xã hội: Việc thừa nam thiếu nữ sẽ dẫn đến việc mất cân bằng lực lượng lao động xã hội, khủng hoảng hôn nhân. Như ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, mất cân bằng giới tính khi sinh có thể dẫn tới các tệ nạn như buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, tảo hôn, bạo lực hoặc tấn công tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.... Và ở nước ta, nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề này không hề nhỏ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tiêm vaccine COVID-19- Vì sao trẻ em không nên vận động mạnh sau khi tiêm?