Nhớ lúc mình cầm đơn xin nghỉ việc, đến chân cầu thang lên lầu 1 phòng Tổ chức, thì gặp bác sĩ Th .... - một đồng nghiệp cũng vừa mới nghỉ việc tại Bệnh viện X chuyển qua làm khoa Thần kinh bệnh viện mình. Sau khi nghe mình kể những câu chuyện bức xúc a,b,c ... Chỉ bảo : Ừ thì em cứ làm những điều em cho là đúng đi, nhưng chị nghĩ người định không bằng ông Trời định. Tất cả đều có duyên em ạ. Mình làm việc đừng mong người khác trả công, mà hãy để ông Trời trả công cho mình.
Mình khá bất ngờ với lời khuyên và an ủi như vậy. Chị là bác sĩ, có nghĩa là người làm khoa học nhưng lại tin vào tâm linh, vào ông Trời giống mình y chang.
Chị đã 50 tuổi rồi, với 26 năm hành nghề Y có lẽ đã nếm trải đủ mọi cung bậc vui buồn, chìm nổi rồi ... nên mới nghiệm ra những điều như vậy.
Hôm nay mình kể câu chuyện này, vì cả đêm vừa nằm học bài thi vừa nghĩ đến một bác sĩ bị rơi vào vòng lao lý.
Muốn nói, muốn sẻ chia ... mà sao miệng khô khốc.
Hay là mình nói lại lời của chị Th : Người định không bằng trời định. Người trả công chi bằng để ông Trời trả công cho chúng ta.
Hãy vững lòng!
Cuộc đời nghịch lý là vậy, khi người khác đang ngủ ngon ở nhà, thì chúng ta phải thức trắng đêm cấp cứu bệnh nặng, bệnh đe dọa tử vong để giành lại sự sống mỏng manh cho bệnh nhân ...Khi người ta dựa vào cơn đau, hay bệnh tật có thể la mắng, chửi bới thậm chí có hành vi đe dọa bác sĩ, thì chúng ta vẫn phải luôn cúi đầu chào, nhẫn nhịn và phải thật niềm nở ân cần chữa trị ... Và khi chúng ta kiếm tiền chân chính bằng việc mở phòng mạch, hay đi khám bệnh tại nhà, hay đi làm nghề khác để nuôi vợ nuôi con ... thì bị lên án : Suốt ngày than cực khổ, lương bèo ... mà bác sĩ nào cũng giàu....
Mấy ai thấy giọt mồ hôi thầm lặng rơi?
Mấy ai thấy vẻ mệt nhòai trên khuôn mặt sau một đêm trực nhiều bệnh nặng?
Mấy ai biết được, khi nghe bệnh nhân bệnh nặng nói đỡ hơn rồi, lòng người thầy thuốc còn vui hơn cả bệnh nhân?
Mấy ai nhớ đến ngày thầy thuốc? Mấy ai nói lời cám ơn?
---
- Mỗi khi nghe đâu đó trên báo chí, bác sĩ nào đó bị kiện vì làm chết bệnh nhân, lòng anh thấy xa xót, như có ai xát muối vào lòng.
Anh đồng nghiệp nói xong, nhìn ra phía cửa sổ. Cơn mưa đêm qua để lại vài vết mưa trên ô cửa kính. Sáng nay bầu trời nhiều mây, như báo hiệu mùa bão tố đang đến thật gần.
- Em thì thấy sợ con người quá. Hôm qua lên mạng vô mấy trang web, mà thấy hãi trong lòng. Có ai là người trong cuộc? Có ai hiểu hết nội tình? Vậy mà sao kết án, phán xét người khác dễ dàng đến thế? Bởi "ở cuộc đời, lỗi lầm không sợ, chỉ sợ lòng người không đủ bao dung".
Một bác sĩ đàn em thở ra, tiếng thở như thật dài. Buổi ăn sáng tự dưng trầm hẳn so với mọi ngày. Vẫn biết mạng người là quan trọng. Vẫn biết nỗi đau mất đi người thân là không gì bù đắp được, nhưng ... để có một kết luận rõ ràng, nhiều khi phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng. Dựa vào tường trình của một hay hai bên đương sự thì ... quy kết tội cho người bác sĩ thì quá ư là ... tàn nhẫn.
- Có mấy ai biết được bao nhiêu áp lực mà người bác sĩ phải gánh trên vai khi hành nghề Y? Có bao nhiêu bác sĩ được tôn vinh vì những cống hiến cho nền y học, cho sự chữa trị bệnh nhân? Chữa trị hàng ngàn bệnh nhân khỏi bệnh, thì không ai nhắc, chỉ cần sơ sẩy, hay do vô ý sơ sẩy là bị bao nhiêu búa rìu dư luận phang tới tấp. Có mấy ai biết người bác sĩ trước hết cũng là người, dễ bị tổn thương về mặt tinh thần? Còn gia đình người thân và con cái của họ nữa, nếu nghe thấy, đọc thấy những dòng lăng mạ, căm phẫn ấy, họ sẽ ra sao? Nhiều lúc em muốn bỏ nghề. Nghề bác sĩ là nghề đặc thù, vậy mà được trả lương cào bằng như mọi ngành nghề khác, thì hỡi ôi ... xa xót.
Bác sĩ đàn em nói tiếp trong bức xúc. Mình cứ thẫn thờ ...
Nhớ một lần giữa trưa nắng chang chang 12 giờ, mình chạy từ quận 11 sang quận 7 để khám bệnh cho bệnh nhân, đến nơi thì gọi điện thoại không ai bắt máy. Tới khi có người bắt máy, nói: có hẹn bác sĩ nhưng bận việc ra ngoài rồi, hôm khác đến. Tự dưng thấy lòng chùng xuống. Cha mẹ cho con ăn học bao nhiêu năm trời, bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi và nước mắt mà giờ đây ....
Mình có một bệnh nhân ở tận quận 2, thứ tư hàng tháng, tôi đều tranh thủ chạy ra khám cho bà. Nhưng thường thì không hề khám cho một người, mà khám cho cả gia đình. Ai cũng hỏi, ai cũng đòi đo huyết áp. Nhiều lúc cầm tiền 300 ngàn về giữa cơn mưa chiều mà lòng chát đắng. Nước mắt mặn, hay do nước mưa mặn.
Có lẽ nước mắt của mưa rất mặn.
---
Nhưng không phải nghề Y toàn chông gai, đôi khi mình vẫn nhận một giỏ xoài bệnh nhân cất công từ quê mang lên, mà lòng thấy rưng rưng. Đôi khi, nghe bệnh nhân nói : Cám ơn bác sĩ, từ lúc đi khám bác sĩ tới giờ, tui mạnh hết sức, không còn đi nhập viện nữa, hễ gặp ai tui cũng kêu đi bác sĩ hết gáo.
Đối với mình, bao nhiêu đó cũng đủ làm trái tim rộn rã, và tự dưng bật khóc.
Những giọt nước mắt của mưa.