SKĐS - Không chỉ được biết đến với hàng loạt các thành tích "khủng", vị bác sĩ 8X này còn sở hữu ngoại hình điển trai. Bằng đôi tay tài hoa và trái tim nhiệt huyết của anh, nhiều bệnh nhân bị tổn thương nặng "bi quan muốn chết" đã được chữa trị kịp thời và vui vẻ trở lại cuộc sống.

TS.BS Phan Minh Hoàng không phải là cái tên xa lạ đối với nhiều người. Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM vào tháng 5/2021 khi mới 39 tuổi. Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng còn đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Và trong thời gian đại dịch COVID-19, anh chính là "tổng chỉ huy" Bệnh viện dã chiến số 6 và hai khu cách ly với số giường phụ trách kỷ lục lên tới hơn 28.000 giường.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 1.

TS.BS Phan Minh Hoàng là một trong 10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc năm 2016. Ảnh: NVCC

Lắng nghe và thấu hiểu

Liên lạc với TS.BS Phan Minh Hoàng để đặt lịch hẹn gặp phỏng vấn, tôi được anh nhận lời ngay. Tuy nhiên, ngày hôm sau đến gặp anh, tôi mới hay, lịch làm việc của anh kín đặc với những chương trình sắp xếp liên tục, trong đó có những cuộc trò chuyện trực tiếp giữa người đứng đầu bệnh viện với các bệnh nhân đang điều trị.

"Tôi muốn và sẵn sàng gặp gỡ các bệnh nhân để trực tiếp lắng nghe những phản ánh của họ, có như thế mới nắm bắt được tâm tư người bệnh và giải quyết triệt để những vướng mắc, thắc mắc của bệnh nhân", Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM nhấn mạnh.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 2.

TS.BS Phan Minh Hoàng được bổ nhiệm là Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM vào tháng 5/2021 khi mới 39 tuổi. Ảnh: Kim Vân

Vốn sinh ra trong một gia đình có bố mẹ và anh chị đều làm việc trong ngành y nên từ nhỏ Phan Minh Hoàng đã đam mê ngành y và đặt ra mục tiêu là bước vào ngưỡng cửa Trường ĐH Y dược TP.HCM. Chính gia đình là nơi đầu tiên dạy cho anh những bài học về tình yêu thương con người, về y đức và đức tính hy sinh.

Ngay khi còn là sinh viên năm 3 trường ĐH Y dược TP.HCM, anh đã xông xáo tham gia hoạt động Đoàn, đồng hành cùng thầy cô và Đoàn trường trong những chương trình khám chữa bệnh cho người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Anh luôn tâm niệm phải hết lòng vì người bệnh, làm sao để người bệnh nghèo được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì đó là trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc.

"Tôi may mắn là được học rất nhiều điều từ ba mẹ của tôi. Họ là những người đi trước và có nhiều đóng góp cho y học nước nhà. Thú thực là tôi có áp lực nhưng càng áp lực càng cho tôi trưởng thành. Đối với chúng tôi, thấy áp lực càng lớn thì phải có nghị lực hơn vượt qua. Đây là yếu tố cộng hưởng để tôi trưởng thành hơn chứ không khiến tôi lùi bước", TS.BS Phan Minh Hoàng chia sẻ.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 3.

TS.BS Phan Minh Hoàng khám bệnh cho người dân ở vùng sâu vùng xa. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM, Phan Minh Hoàng về công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiếp đó năm 2015, anh về Bệnh viện Quận 2 (nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh) đảm nhận vị trí Trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ. Tại đây, bác sĩ Hoàng được biết đến với nhiều ca phẫu thuật tạo hình để lấy lại niềm tin cuộc sống cho các nạn nhân bị bỏng xăng, bị tạt axít…

Anh đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân và mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh khác nhau. Mỗi câu chuyện trên từng hành trình đều gắn với hai chữ "tình người". Trong lòng người bác sĩ trẻ lúc nào cũng canh cánh trăn trở làm sao để đến gần hơn với những bệnh nhân nghèo, giúp họ vơi bớt bệnh tật, đau đớn.

"Mình là bác sĩ nhưng mình phải đóng vai trò là bệnh nhân trước đã. Là bệnh nhân mới hiểu được tâm trạng của người ta chứ mình không được áp tâm lý của người điều trị vào bệnh nhân. Bác sĩ cũng phải đóng vai trò là người nhà bệnh nhân. Đó là nghệ thuật trong điều trị. Bởi khi mình làm công tác điều trị bệnh nhân mà nói bệnh nhân không nghe là thất bại hoàn toàn. Nếu mình nói 1 là 1, 2 là 2, bệnh nhân không cãi một lời là thành công", Giám đốc Phan Minh Hoàng chia sẻ.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 4.

TS.BS Phan Minh Hoàng (thứ hai từ trái) mổ cho một bệnh nhân. Những cuộc phẫu thuật của bác sĩ Hoàng thường kéo dài hơn 10 giờ liên tục. Ảnh: NVCC

Cổng bệnh viện luôn phải mở, bệnh nhân còn sống là phải cứu

Nhắc về những ngày trong đại dịch COVID-19, bác sĩ Hoàng nói đó là những ngày tháng không thể quên trong cuộc đời y nghiệp của mình. Thời điểm anh vừa được bổ nhiệm chính thức là Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cũng là lúc dịch COVID-19 chính thức vào giai đoạn bùng phát tại TP.HCM.

Trong khi nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố ban đầu có tâm lý e ngại tiếp đón bệnh nhân COVID-19 thì cửa chính Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp được lệnh luôn mở. "Đây là thời điểm người bệnh cần mình nhất. Cửa bệnh viện luôn mở và phải chiếu đèn thật sáng 24/24 để người bệnh dễ nhận biết", bác sĩ Hoàng chỉ đạo.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 5.

Vào giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM, TS.BS Phan Minh Hoàng chỉ đạo: Cửa Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp luôn mở và phải chiếu đèn thật sáng 24/24 để người bệnh dễ nhận biết. Ảnh: NVCC

Khi bệnh nhân quá đông, hầu hết các bệnh viện không đủ chỗ nhận bệnh, bác sĩ Hoàng đã họp nhân viên của mình và yêu cầu: "Hết giường thì cho bệnh nhân nằm lên cáng, lên ghế hay bất cứ đâu nhưng buộc phải nhận bệnh nhân vào viện. Bất kể già trẻ, còn sống là còn cứu".

Được sự tin tưởng lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế, TS.BS Phan Minh Hoàng được giao phụ trách 4 bệnh viện, 2 khu cách ly và một bệnh viện tách đôi với số giường phụ trách lên đến hơn 28.000 giường.

"Trước đó, tôi được biết chưa có bác sĩ nào phụ trách số giường lớn đến như vậy nên cũng cảm thấy áp lực. Nhưng rất may mắn đối với tôi, dưới tôi có rất nhiều bạn trẻ và đồng nghiệp từ mọi miền đất nước về làm việc với nhau tạo nên một sức mạnh tổng thể vô hình. Chúng tôi đã vận hành một cách trơn tru các mô hình bệnh viện dã chiến, cách ly, tách đôi và F0 tại nhà", bác sĩ Hoàng nói.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 6.

Những ngày TP.HCM trong đại dịch COVID-19 là những ngày tháng không thể quên trong cuộc đời y nghiệp của bác sĩ Hoàng. Ảnh: Hữu Khoa

Những ngày tháng trực chiến điều hành Bệnh viện dã chiến số 6 với hàng chục ngàn bệnh nhân, khó khăn, vất vả là vậy nhưng bác sĩ Hoàng cho rằng thành công trong công tác thu dung, chăm sóc và điều trị dịch COVID-19 này không phải của riêng anh mà là của cả tập thể ngành y thành phố và ngành y cả nước, Bắc-Trung-Nam cùng hòa với nhau, cùng vì lợi ích duy nhất là sức khỏe bệnh nhân.

"Những ngày đó, nhân viên y tế chúng tôi không được ngơi nghỉ vì chúng tôi phải giúp bệnh nhân. Nhiều bạn bác sĩ trong vòng 24h không được nghỉ tiếng nào, chỉ kịp ngả lưng vào bức tường rồi lại tiếp nhận bệnh nhân điều trị. Lúc đó, tôi hỏi các bạn: "Các em có mệt không?" thì các bạn trả lời: "Chúng em rất là mệt nhưng mà giúp được một bệnh nhân vượt qua được "cửa tử", chứng kiến họ xuất viện và những nụ cười của thân nhân bệnh nhân khi đến đón bệnh nhân ra là lại khỏe, lại thấy phấn khởi tiếp tục với công việc", bác sĩ Hoàng nhớ lại.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, dịch bệnh COVID-19 đã qua đi, điều còn lại ý nghĩa với anh là sự kết nối của những người làm nghề. Trước đó họ không hề biết nhau, nhưng chính do dịch bệnh mà họ gắn kết. Từ địa đầu tổ quốc Hà Giang, Móng Cái, Lai Châu, đến Thái Bình, Hà Nam,.... sát lại với nhau, mọi người coi nhau như người thân để sẻ chia.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 7.

Bác sĩ Phan Minh Hoàng cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến số 6. Ảnh: NVCC

Kéo bệnh nhân từ góc khuất ra ánh sáng

Vốn chuyên môn về tạo hình thẩm mỹ, bác sĩ Phan Minh Hoàng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân với các hoàn cảnh khác nhau. Trong hàng trăm ca bệnh đã trực tiếp thăm khám và phẫu thuật, anh cho hay bệnh nhân để lại anh ấn tượng sâu sắc là Phùng Thanh Liêm (sinh năm 1986).

Bác sĩ Hoàng nhớ lại, cuối năm 2014, anh cùng đoàn Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM tổ chức khám bệnh từ thiện cho hơn 1.000 người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Khi đoàn đang thăm khám thì vợ anh Liêm chạy đến xin thuốc. Lúc đó anh Hoàng là trưởng đoàn nhưng rất bối rối vì đó không phải là bệnh nhân lại xin thuốc. Hỏi ra mới biết là người phụ nữ đó bảo mang thuốc về cho chồng bởi chồng đi không được do di chứng bỏng xăng. Sau khi nghe vợ anh Liêm trình bày, anh Hoàng liền nói: "Bệnh nhân không đến được thì bác sĩ phải tới".

Đến nơi, bác sĩ Hoàng thấy anh Liêm chỉ nằm một chỗ, sẹo co rút ở vùng cổ, nách, khuỷu chân, đầu gối, không thể đi lại được. Anh Liêm cũng bị suy dinh dưỡng không ăn uống được, đặc biệt tâm lý rất bi quan, lúc nào cũng chỉ muốn chết. Tuy nhiên, do chân tay co rút nên Liêm không thể tự kết liễu mạng sống.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 8.

Bệnh nhân Phùng Thanh Liêm với di chứng bỏng xăng tại nhà trước khi phẫu thuật. Ảnh: NVCC

Ngày 1/3/2015, từ đề xuất của bác sĩ Hoàng, Bệnh viện Quận 2 (nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh) đã điều xe đón anh Liêm về điều trị. Do tình trạng bệnh nhân nặng phải nằm băng ca nên bác sĩ Phan Minh Hoàng đã hội chẩn với PGS.TS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Việt Nam và PGS.TS Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo đó, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân Liêm ngay tại Bệnh viện Quận 2 để nâng tổng trạng bệnh nhân lên.

3 tuần sau, bệnh nhân Liêm được phẫu thuật giải phóng sẹo co rút. Trải qua 7 lần phẫu thuật, sau 18 tháng, bệnh nhân được xuất viện và đi lại hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đó là một quá trình thử thách đầy chông gai và khó khăn đối với bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ. Nhiều lúc bệnh nhân đau không chịu được, bác sĩ Hoàng ngoài vai trò điều trị còn phải nắm tâm lý bệnh nhân, biết "cương" hay "nhu" đúng lúc, thậm chí có lúc anh phải đóng vai ác để động viên.

"Lúc bệnh nhân đau, muốn xuất viện, tôi liền nói: Em muốn xuất viện ư? Anh cho em xuất viện liền bởi đây là ca mổ miễn phí. Bệnh nhân hiểu được tấm lòng bác sĩ nên đã kiên cường hơn rất nhiều. Ngày xuất viện, Liêm hồi phục một cách thần kỳ. Hiện tại Liêm đã có thể đánh cầu lông, leo cây, làm mọi việc như người bình thường", bác sĩ Hoàng vui vẻ kể lại.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 9.

Bác sĩ Hoàng chụp ảnh kỷ niệm cùng bệnh nhân Phùng Văn Liêm trong ngày được ra viện. Ảnh: NVCC

Được biết, bệnh nhân Liêm hiện vẫn thi thoảng liên lạc với bác sĩ Hoàng. "Anh là người sinh ra em lần thứ hai. Hôm bữa không có anh, em chết", Liêm nói với bác sĩ Hoàng.

Ngoài bệnh nhân Phùng Thanh Liêm trên, một bệnh nhân đặc biệt khác cũng được bác sĩ Hoàng cứu chữa, đưa lại niềm vui sống. Đó là bệnh nhân Vũ Thị Loan - người phụ nữ đang vá xe cho khách ở đường Trường Chinh (quận Tân Bình) thì bị một người lạ mặt tạt axit vào người.

Sau nhiều tháng điều trị, di chứng để lại sau hai lần phẫu thuật khiến gương mặt chị Loan méo xệch, các vết sẹo do axit kéo tụt miệng nên chị nói không rõ, vùng nách bị dính khiến cánh tay cử động khó khăn... Khi nhìn thấy mình trong gương, chị Loan đã nhiều lần có ý định tự tử nhưng không thành.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 10.

Bác sĩ Hoàng chích thuốc trị sẹo lồi sau phẫu thuật cho chị Loan.

Biết hoàn cảnh của chị khó khăn, bác sĩ Hoàng xin ý kiến Ban Giám đốc Bệnh viện Quận 2 nhận chữa trị miễn phí cho chị Loan. Và sau khi trải qua ca phẫu thuật lần đầu suốt 14 tiếng và ca mổ lần hai khoảng bốn tiếng, chị Loan đã hồi phục. Điều thần kỳ là sau đó chị Loan đã nói chuyện được bình thường và giơ được cánh tay lên cao, quay trở lại cuộc sống vui vẻ.

Trước những thành công trong công tác cứu chữa và điều trị các bệnh nhân đặc biệt, bác sĩ Hoàng khẳng định: "Sự thành công này không phải của riêng tôi mà đến từ tất cả các khoa lâm sàng, hội chẩn, từ các người thầy của tôi. Tôi may mắn là người kết nối".

Và mặc dù được mệnh danh là bác sĩ có "bàn tay ảo thuật", nhưng trò chuyện với tôi, anh chỉ nhận mình là một bác sĩ bình thường.

"Do các anh chị báo chí cũng nói quá chứ mình không phải là bác sĩ ảo thuật gì cả. Bác sĩ tạo hình thẩm mỹ phải làm cho bệnh nhân có một diện mạo mới để người ta tự tin để bước vào cuộc đời. Ngoài ra, người mặc áo blouse phải đóng nhiều vai trò thì công tác điều trị mới thành công. Khi tiếp cận bệnh nhân đặc biệt như anh Liêm, chị Loan, mình phải hiểu được họ. Bệnh nhân rất bi quan, lúc nào họ cũng muốn đi vào chỗ tối, góc khuất. Mình phải cho họ bước ra ánh sáng từ từ. Tuy nhiên, mình không thể mở cánh cửa thứ hai cho bệnh nhân, họ phải tự mở cánh cửa cho mình chứ không phải ai khác", bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Giám đốc bệnh viện trẻ nhất Việt Nam: Càng áp lực càng trưởng thành - Ảnh 12.

TS.BS Phan Minh Hoàng đang lật giở xem lại những hình ảnh về Bệnh viện dã chiến số 6. Ảnh: Kim Vân

Có lẽ, chính sự khiêm tốn, tinh thần ham học hỏi, hết lòng vì công việc, cộng đồng đã giúp bác sĩ Phan Minh Hoàng gặt hái được thành công trong sự nghiệp khi tuổi nghề còn trẻ. Trong vai trò là Chủ tịch của Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TS. BS Phan Minh Hoàng không chỉ truyền niềm đam mê ngành y đến các thầy thuốc trẻ mà còn nhắn nhủ họ rèn thêm đạo đức, biết đau với nỗi đau người bệnh. Và điều quan trọng nhất, hạnh phúc nhất đối với những người làm nghề y đó là nụ cười của bệnh nhân sau khi rời bệnh viện.

KIM VÂN

Năm 2015, bác sĩ Phan Minh Hoàng hoàn thành chương trình tiến sĩ khi anh 33 tuổi với đề tài "Đánh giá tác dụng điều trị của tấm vật liệu tương đương trung bì trên vết bỏng nhiệt thực nghiệm", mang lại nhiều hiệu quả trong điều trị cho các bệnh nhân phỏng độ sâu. Đồng thời anh cũng có nhiều công trình và sáng kiến khoa học.

Trong thời gian là Bí thư Đoàn của Bệnh viện Quận 2, bác sĩ Hoàng đã cùng đội ngũ thầy thuốc trẻ của Bệnh viện Quận 2 thực hiện mô hình chăm sóc sức khỏe cho các mẹ Việt Nam anh hùng tại nhà; "Bữa cơm 2.000 đồng" hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị nội trú; Tổ chức đi khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu vùng xa và phát động thực hiện "Ngân hàng máu sống" để kịp thời cứu chữa các ca bệnh khẩn cấp.

Bác sĩ Phan Minh Hoàng đã đặt chân đến hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam để khám chữa bệnh cho người nghèo. Và anh cũng đã nhiều lần sang nước Lào và Campuchia để khám, chữa bệnh cho người dân.

Năm 2017, TS.BS Phan Minh Hoàng được trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương là 1 trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Năm 2018, TS.BS Phan Minh Hoàng được bầu làm Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM nhiệm kỳ 2018-2023. Trong quá trình đương nhiệm, anh đã tổ chức, triển khai được rất nhiều chương trình ý nghĩa như: Chương trình chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân hậu COVID-19; Chương trình chăm lo cho các bé có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi sau COVID-19... Và hàng năm, Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM đều thực hiện chăm sóc toàn bộ sức khỏe định kỳ cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong thời gian là "tổng chỉ huy" Bệnh viện dã chiến số 6, TS. BS Phan Minh Hoàng cùng các y bác sĩ và chuyên gia hàng đầu về phục hồi chức năng đã cùng xây dựng các dữ liệu cho ứng dụng Dr Home trên điện thoại. Theo đó, ngoài việc giúp mọi người theo dõi những tổn thương "hậu COVID-19", ứng dụng Dr Home còn được thiết kế thêm những khảo sát đánh giá về tâm lý, stress hay rối loạn giấc ngủ trên bệnh nhân sau hồi phục. Các bộ câu hỏi được thiết kế dành cho mọi tầng lớp trong cộng đồng dân cư nên dễ hiểu, trực quan sinh động...

Năm 2022, TS.BS Phan Minh Hoàng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.

Đến nay, bác sĩ Hoàng đã 3 lần được vinh danh trao tặng giải thưởng Y khoa Phạm Ngọc Thạch dành cho các thầy thuốc trẻ.

Thầy thuốc trẻ mạnh mẽ nơi tuyến đầuThầy thuốc trẻ mạnh mẽ nơi tuyến đầu

SKĐS - Ấn tượng với tôi khi gặp BS Đặng Thị Yến Vy trong khu điều trị Bệnh viện dã chiến Thới Hòa, Bình Dương là giọng nói nhỏ nhẹ, hiền khô đặc trưng của con gái phương Nam. Nhẹ nhàng và tình cảm là thế nhưng khi đứng trước hàng ngàn bệnh nhân COVID chị lại cương quyết, mạnh mẽ trong từng quyết định cho bệnh nhân.

Ý kiến của bạn