Hà Nội

Áp lạnh trị bệnh, những lưu ý khi sử dụng

12-11-2022 06:51 | Thông tin dược học

SKĐS - Trong thập kỷ qua, phương pháp áp lạnh đã trở thành một lựa chọn ngày càng phổ biến trong thể thao để phục hồi sức khỏe và lan rộng ra công chúng. Ngày nay, có thể dễ dàng tiếp cận với phương pháp áp lạnh tại các cơ sở y tế, câu lạc bộ thể dục...

Nhiệt đông cao tần và áp lạnh trong điều trị  tắc nghẽn nội khí quảnNhiệt đông cao tần và áp lạnh trong điều trị tắc nghẽn nội khí quản

SKĐS - Bệnh nhân Trần V. T. (45 tuổi, TP.HCM) đang điều trị ung thư phổi ở phế quản gốc trái. Trước khi nhập viện, bệnh nhân ho khạc ra đàm, mủ, đau ngực, sốt, khó thở.

Lịch sử của phương pháp áp lạnh

Việc sử dụng lạnh cho mục đích chữa bệnh đã có từ nhiều thế kỷ trước. Nước lạnh được sử dụng để trị liệu và thư giãn ở Hy Lạp cổ đại, trong khi băng và tuyết được sử dụng để giảm đau trong các cuộc hành quân của binh lính vào thế kỷ 19.

Phương pháp áp lạnh toàn thân là một trong những liệu pháp gần đây được chú ý đến. Phương pháp này không sử dụng nước lạnh mà là các chất làm mát để làm lạnh không khí xung quanh cơ thể.

Thiết bị lạnh đầu tiên được chế tạo ở Nhật Bản vào khoảng năm 1978 để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, phương pháp áp lạnh làm giảm nhiệt độ ngoài da nhanh chóng, dẫn đến việc giải phóng các chất hóa học có lợi cho cảm giác được gọi là endorphin, giúp giảm đau ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Phương pháp áp lạnh dùng điều trị bệnh gì?

Phương pháp áp lạnh áp dụng cho các vùng cơ thể lớn hơn để chữa bệnh được sử dụng trong các phòng khám sức khỏe, văn phòng vật lý trị liệu và trung tâm thể dục để thúc đẩy phục hồi cơ, giảm đau, cải thiện chứng trầm cảm và mất ngủ… Phương pháp áp lạnh cũng được sử dụng trong phẫu thuật trong các cơ sở y tế để điều trị các bệnh lý về da và một số bệnh ung thư; có thể tăng cường phục hồi cơ bắp, giảm đau mãn tính, một số bệnh ngoài da mãn tính, cải thiện giấc ngủ…

photo-1668160243202

Buồng áp lạnh sử dụng sự kết hợp của nitơ lỏng và điện để làm mát không khí xung quanh có thể giúp điều trị một số bệnh…

Phương pháp áp lạnh hoạt động thế nào?

Khi tiếp xúc với áp lạnh, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách co thắt các mạch máu (còn được gọi là co mạch), vì vậy tất cả máu sẽ được đẩy đến các cơ quan trong cơ thể. Điều này khiến máu nhận được nhiều oxy hơn và trở nên giàu chất dinh dưỡng.

Khi dừng tiếp xúc với áp lạnh, cơ thể bắt đầu nóng trở lại, các mạch máu sẽ giãn nở (còn được gọi là giãn mạch). Lúc này, máu giàu oxy và chất dinh dưỡng sẽ chảy trở lại các mô và giúp đẩy lùi chứng viêm.

Ngoài ra, phương pháp áp lạnh có thể tạo ra hiệu ứng giảm đau hoặc giảm đau bằng cách làm giảm sự dẫn truyền thần kinh (khi dây thần kinh truyền tín hiệu đến não) trong các tế bào đau. Điều này chứng tỏ rằng, phương pháp áp lạnh có thể là một liệu pháp hiệu quả cho các tình trạng đau, tương tự như cách đặt một túi đá lên vùng bị tổn thương giúp giảm đau tạm thời.

Các loại phương pháp áp lạnh

Phương pháp áp lạnh toàn thân: Người bệnh ngồi hoặc đứng trong một buồng nhỏ, kín được làm lạnh bằng nitơ lỏng. Toàn bộ cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, thời gian tiếp xúc ngắn, thường từ 2 đến 4 phút.

Phương pháp áp lạnh một phần cơ thể: Người bệnh đứng trong một buồng cỡ vừa người được mở phía trên cùng. Bằng cách này, thân và chân được bao bọc trong buồng đông lạnh, nhưng đầu ở nhiệt độ phòng.

Ngâm nước lạnh: Bao gồm việc ngâm mình, trừ đầu và cổ, trong nước ở nhiệt độ lạnh hơn 15 độ C. Kỹ thuật trị liệu này thường được sử dụng để kiểm soát tình trạng đau nhức cơ bắp sau khi tập luyện.

Chườm đá: Chườm đá là một trong những bước đầu tiên trong việc điều trị các chấn thương cấp tính, chẳng hạn như căng cơ, bong gân và gãy xương. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, sử dụng túi đá, tắm nước đá hoặc mát-xa bằng đá giúp giảm đau, sưng và viêm ở vùng bị thương.

Cryoablation: Còn được gọi là phẫu thuật lạnh, là một phương pháp xâm lấn tối thiểu được sử dụng để điều trị các bệnh về da (chẳng hạn như mụn cóc) và một số bệnh ung thư (ung thư tuyến tiền liệt, cổ tử cung, ung thư gan). Để thực hiện, bác sĩ áp dụng phương pháp cực lạnh để đóng băng và loại bỏ các mô bất thường. Lưu ý, phương pháp này chỉ được thực hiện tại các phòng khám hoặc trung tâm phẫu thuật bởi các chuyên gia được cấp phép.

Một số rủi ro có thể gặp

Các rủi ro chính liên quan đến phương pháp áp lạnh bao gồm tê cóng, phát ban, chấn thương mắt và hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể giảm đáng kể và nguy hiểm thường xảy ra do tiếp xúc lâu với lạnh).

Phương pháp áp lạnh toàn thân và áp lạnh một phần cơ thể có nguy cơ gặp các rủi ro hơn. Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ cũng cảnh báo rằng, việc sử dụng nitơ lỏng để làm mát một không gian kín như trong phương pháp áp lạnh toàn thân làm giảm lượng oxy có sẵn, có thể dẫn đến thiếu oxy và mất ý thức.

Tiếp xúc với lạnh cũng có thể gây nguy hiểm cho những người bị bệnh tim, thần kinh và tuần hoàn.

Ai nên tránh phương pháp áp lạnh?

Bệnh nhân tăng huyết áp: Phương pháp áp lạnh rất nguy hiểm đối với những người bị tăng huyết áp và mắc bệnh tim. Nguyên nhân là do việc tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh đột ngột là một cú sốc đối với hệ thống tim mạch.

Tổn thương thần kinh: Những người bị tổn thương thần kinh cũng nên tránh xa liệu pháp áp lạnh và ngâm mình trong nước lạnh. Những người bị tổn thương dây thần kinh do bệnh đái tháo đường thường mất cảm giác ở bàn tay và bàn chân. Do đó, có thể làm tăng nguy cơ tê cóng ở những bệnh nhân này.

Lưu ý, không dùng phương pháp áp lạnh cho phụ nữ mang thai hoặc những người quá nhạy cảm với lạnh.

Trong khi đó, người lớn tuổi và những người khác có tuần hoàn máu kém không nhất thiết phải tránh phương pháp áp lạnh, nhưng nên thận trọng khi tiếp cận và phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

Xem them video đang được quan tâm:

Thực hư thông tin sốt xuất huyết không nên uống sữa.

Ngọc Nguyễn
(Theo everydayhealth)
Ý kiến của bạn