Áp dụng tạo hình bản sống cổ giúp bệnh nhân không lo liệt

13-01-2017 18:58 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ngày 11/1, Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) cho biết, bệnh viện đã áp dụng phương pháp tạo hình bản sống cổ giúp bệnh nhân đi lại không lo liệt.

Ngày 11/1, Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) cho biết, bệnh viện đã áp dụng phương pháp tạo hình bản sống cổ giúp bệnh nhân đi lại không lo liệt. Ca phẫu thuật do TS.BS. Nguyễn Vũ êkíp các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ trước mổ của bệnh nhân Đ.

Bệnh nhân được phẫu thuật thành công tên là T.Đ. (58 tuổi, quê ở Bắc Giang). Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân có tiền sử đau vai gáy nhiều năm, tê bì hai tay. Cách đây gần 1 tháng, trong một lần lao động, bệnh nhân Đ. bê vật nặng sơ ý nên ngã đập đầu xuống nền cứng. Sau khi ngã, bệnh nhân Đ. tỉnh táo nhưng bị tê bì tứ chi, yếu tứ chi không đi lại được. Sau đó, anh được gia đình đưa vào viện, được chụp CT cột sống cổ nhưng không có tổn thương xương. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không đỡ, ngày 29/12/2016, bệnh nhân Đ. được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y. Tại đây, các bác sĩ khám và chỉ định chụp cộng hưởng từ, kết quả cho thấy bệnh nhân có hẹp nặng ống sống C3, C4, C5, C6 và đụng giập chảy máu tuỷ tầng C3, C4 và được chẩn đoán là hẹp ống sống cổ có tổn thương tuỷ do chấn thương.

Ngày 4/1/2017, bệnh nhân được chỉ định mổ tạo hình bản sống cổ bằng phương pháp mở cửa sổ của Hirabayashi. Với phương pháp này, bệnh nhân được sử dụng dao cắt xương siêu âm để cắt cung sau tạo hình bản sống và khoan mài kim cương tốc độ cao để tạo bản lề cửa sổ.Hình ảnh chụp Xquang sau mổ của bệnh nhân Đ.

Hình ảnh chụp Xquang sau mổ của bệnh nhân Đ.

TS.BS. Nguyễn Vũ - Giảng viên Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Cột sống và Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: Mổ tạo hình bản sống cổ bằng phương pháp mở cửa sổ của Hirabayashi là một phương pháp mới. Với ưu điểm vượt trội so với mở cung sau giải ép thần kinh trước đây là giữ lại được toàn bộ cung sau và dây chằng liên gai và gian gai giúp tạo thành lớp bảo vệ tuỷ sống tránh xơ dính sau mổ, giải ép rộng rãi tránh gây tổn thương tuỷ thứ phát.

Nếu với phương pháp mổ cũ nhược điểm tàn phá rất nặng nề do phải cắt toàn bộ cung sau-gai sau và hệ thống dây chằng liên gai và gian gai gây mất vững cột sống thứ phát phải nẹp vít cố định cột sống cổ gây hạn chế vận động cổ và mất tổ chức che phủ bảo vệ tuỷ phía sau gây nguy cơ xơ dính tuỷ sau này thì với phương pháp mới này hoàn toàn khắc phục được yếu điểm đó. Đây là một lợi thế giúp người bệnh phục hồi nhanh hạn chế gây tổn thương tủy thứ phát. Vì vậy, sau 1 tuần phẫu thuật, bệnh nhân Đ. đã đi lại bình thường, vết mổ khô và đã có thể xuất viện. Ca phẫu thuật thành công đã khẳng định bước tiến kỹ thuật của chuyên ngành ngoại thần kinh - cột sống.Hình ảnh mô hình 3D kỹ thuật mổ.

Hình ảnh mô hình 3D kỹ thuật mổ.

Được biết, 1 tháng trước đây, Bệnh viện Đại học Y cũng đã tiến hành phẫu thuật cho một bệnh nhân 62 tuổi, có chẩn đoán hẹp ống sống cổ 2 năm đã có tổn thương tủy cũ, rỗng tủy cổ. Bệnh nhân yếu tứ chi, không tự đi lại, không bưng cơm ăn, không chải đầu được. Bệnh nhân cũng được áp dụng phương pháp tạo hình bản sống cổ. Sau mổ, bệnh nhân được phối hợp vật lý trị liệu và châm cứu. Sau khoảng 2 tuần, bệnh nhân đã vận động bàn tay dễ dàng hơn, đã tự xúc cơm ăn, chải đầu và thay quần áo được.


Xuân Tùng
Ý kiến của bạn