Những năm qua ngành Răng Hàm Mặt (RHM) Việt Nam (VN) nói chung và ngành RHM các tỉnh phía Bắc nói riêng có bước phát triển vượt bậc về tổ chức và chuyên môn, Hội nhập khu vực và quốc tế. Mạng lưới RHM phát triển rộng khắp trong cả nước, người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc răng miệng cũng như cấp cứu, khám bệnh và chữa bệnh. Ngành RHMVN là một trong những ngành thành công không những trong việc giữ chân người bệnh mà còn thu hút được nhiều bệnh nhân Việt kiều và người nước ngoài tới khám chữa bệnh. Toàn ngành phấn đấu tích cực theo hướng phát triển trình độ chuyên sâu, đầu tư trang thiết bị hiện đại, phong cách chuyên nghiệp và chăm sóc tận tình, đạt được sự hài lòng tối đa của người bệnh. Ngành đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, ngoài công tác khám chữa bệnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đặc biệt là công tác phòng chống các bệnh răng miệng phát triển theo hướng tích cực và hiệu quả như: Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình; Vi phẫu ghép đoạn xương hàm; Phẫu thuật chỉnh hình xương; Cấy ghép Implant nha khoa; Nắn chỉnh răng; Phục hình răng bằng vật liệu sứ không kim loại; Điều trị toàn diện khe hở môi vòm miệng…
Ngoài thành tựu về khám chữa bệnh trên, bệnh viện đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao các gói kỹ thuật phù hợp với năng lực và cơ sở vật chất của địa phương mang lại hiệu quả cao. Trong năm 2019, BVRHMTƯHN đã chuyển giao 6 gói 7 kỹ thuật cho 9 BV tỉnh…
PGS. TS Trần Cao Bính- Phó giám đốc BV RHMTƯ Hà Nội cho biết: “Trong năm 2019 vừa qua, BVRHMTƯ Hà Nội đã phối hợp với BVRHMTƯ TP.HCM tiến hành điều tra sức khỏe răng miệng lần thứ 3. Kết quả số liệu điều tra là cơ sở khoa học để cung cấp cho Bộ Y tế và ngành RHMVN hoạch định chính sách phòng chống các bệnh răng miệng thông thường trong thời gian tới”.
PGS. TS Trần Cao Bính- Phó giám đốc BV RHMTƯ HN khai mạc hội nghị
Mặc dù thành tích của ngành RHM đạt được là đáng được ghi nhận. Nhưng hàng năm toàn ngành cũng chỉ giải quyết được số lượng nhỏ những người mắc bệnh (khoảng trên 200.000 bệnh nhân/ 96,2 triệu dân). Do vậy vấn đề phòng chống, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng của 96 triệu dân Việt Nam còn lại đang đặt ra những thách thức với ngành RHM. Ngành RHMVN luôn coi trọng công tác phòng bệnh, cụ thể là công tác nha học đường và Nha khoa cộng đồng. Chương trình Nha học đường trong thời gian gần đây có nhiều biến động theo chiều hướng không tích cực như: Với ngành Y không đào tạo và cấp chứng chỉ hoạt động cho y sĩ răng trẻ em, hệ thống y tế dự phòng theo hướng gộp lại thành trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC; ngành giáo dục các trường tiểu học không có biên chế cán bộ Nha học đường.
Hậu quả là nhiều y sĩ răng trẻ em bỏ việc, tỷ lệ trường có phòng y tế học đường mới đạt hơn 50%, tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách công tác y tế chỉ đạt khoảng 50%. Cả nước chỉ có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của học sinh. nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ, nhân viên thư viện... kiêm nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn “trắng” nhân viên y tế. Nhân lực vừa thiếu vừa yếu nên công tác nha học đường gần như không hoạt động.
Toàn cảnh hội nghị
Xuất phát từ thực tế, ngành RHMVN năm 2018 đã có những điều chỉnh trong công tác nha học đường cho phù hợp. Đã tổ chức giao ban ngành tại Vũng Tàu và thống nhất, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục vệ sinh răng miệng, chải răng đúng cách, súc miệng Fluor tại trường, khuyến khích các cở sở RHM trong cả nước thực hiện nhiều hơn các biện pháp dự phòng có thể.
Hội nghị còn đánh giá kết quả chuyển giao gói kĩ thuật theo đề án 1816 năm 2019 và phương hướng 2020; Phân tích đánh giá thực trạng các bệnh rặng miệng phổ biến dựa trên kết quả Điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc lần thứ 3; Đánh giá thực trạng công tác Nha học đường.... từ đó, đề xuất chương trình hoạt động phòng các bệnh răng miệng phổ biến cho cộng đồng trong thời gian tới...
Cũng dịp này nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe đã được nhận kỉ niệm chương vì sức khỏe răng miệng.