Hà Nội

Áp dụng nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến vào việc phát hiện, điều trị lao

30-08-2019 20:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hoạt động phòng, chống lao 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2019, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trong 6 tháng qua, Chương trình chống lao Quốc gia đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới với phương pháp tiếp cận hiệu quả, đã phát hiện chủ động nhiều trường hợp mắc lao. Ngoài ra, Chương trình chống lao Quốc gia còn cập nhật, áp dụng các loại thuốc mới, với phác đồ mới vào điều trị lao kháng thuốc rất hiệu quả.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2017 trên toàn cầu có khoảng 10 triệu người mắc lao, 9% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, trong đó có khoảng 300.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV.

Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trong 6 tháng qua, Chương trình chống lao Quốc gia đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới với phương pháp  tiếp cận hiệu quả, đã phát hiện chủ động nhiều trường hợp mắc lao. Ngoài ra, Chương trình chống lao Quốc gia còn áp dụng các loại thuốc mới, với phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc rất hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, Giám đốc BV Phổi Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2019, mặc dù số bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học giảm nhẹ (357 ca), tuy nhiên số bệnh nhân không có bằng chứng vi khuẩn học và lao ngoài phổi lại tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018 lần lượt là 921 và 252 trường hợp. Theo đó, đã phát hiện 50.645 bệnh nhân lao các thể, đạt tỷ lệ phát hiện khoảng 52/100,000 dân và điều trị thành công cho hơn 90% số bệnh nhân lao mới và tái phát phát hiện được.

Bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được điều trị khỏi ở mức cao (87,1%), đạt chỉ tiêu của WHO tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu Chương trình chống lao Quốc gia  đã đề ra là trên 90%. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Hà Nội (94,6%), Quảng Ngãi (94,9%) và Hậu Giang (97,6%). Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2(3) tháng điều trị của bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 87,6%.

Xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có chiều hướng giảm với tỷ lệ mới mắc giảm khoảng 2%/năm. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2018).

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm phòng chống lao

Đảm bảo đủ ngân sách mua thuốc chống  lao

Tuy nhiên, hiện  Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đó là  dịch tễ lao ở Việt  Nam còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Một trong những khó khăn hàng đầu trong công tác phòng chống lao ở Việt Nam là tỷ lệ người được xét nghiệm GeneXpert còn hạn chế tại nhiều địa phương, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt việc cung ứng thuốc chưa đầy đủ và kịp thời (do việc tiếp nhận thuốc từ Hợp đồng mua sắm năm 2018 bị chậm hơn nhiều so với kế hoạch dẫn tới thiếu cục bộ một số thuốc như Lzd, Cfz, Mfx); Chậm tiến độ mua sắm Hain test. Công tác phối kết hợp trong hoạt động phối hợp y tế công – tư (PPM) vẫn còn hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, Giám đốc BV Phổi Trung ương

Ngoài ra, sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao Quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả, địa bàn triển khai rộng, thiếu cán bộ cả về số lượng và năng lực.  Công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như: thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lao,.... Trong khi đó, tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, HIV trong trại giam cao, công tác phát hiện còn thấp.

Thay đổi mô hình tổ chức y tế tại tuyến tỉnh, huyện có ảnh hưởng không nhỏ tới Chương trình chống lao như thay đổi cán bộ làm công tác chống lao, đơn vị mới chưa ổn định nên việc triển khai hoạt động chống lao gặp khó khăn, tâm lý cán bộ làm công tác chống lao không ổn định…  Tự chủ về tài chính tại các tuyến có ảnh hưởng tới hoạt động chống lao, nhiều Bệnh viện lao có lượng người bệnh khám và điều trị thấp gặp rất nhiều khó khăn. Công tác chống lao tại 15 tỉnh chưa thành lập bệnh viện lao và bệnh phổi, sát nhập Trung tâm CDC....

GS, TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, Chương trình Chống lao cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030. Đặc biệt, cần phối hợp cùng Bộ Y tế vận động ngân sách Chính phủ cấp cho Chương trình Chống lao đủ để mua thuốc chống lao cho toàn bộ các bệnh nhân lao trong chẩn đoán, điều trị năm 2019 – 2020. Bên cạnh đó, về hậu cần thuốc và trang thiết bị, Chương trình Chống lao cần phải chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi nguồn kinh phí từ nhà nước sang sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế cho thuốc chống lao.

Mục tiêu 6 tháng cuối năm 2019, Chương trình chống lao tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như phát hiện chủ động, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, lao trẻ em, lao/HIV, thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp (PAL), phối hợp y tế công – tư (PPM) ngoài ra Chương trình cũng đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực, các sáng kiến mới, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, áp dụng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị, quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu cam kết với Chính phủ, Bộ Y tế.


Hải Yến
Ý kiến của bạn