Hà Nội

Áo trắng ở Trường Sa

27-02-2014 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Công tác y tế ở đất liền - nơi có điều kiện cơ sở vật chất y tế tốt hơn vẫn luôn gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác y tế ở đất liền - nơi có điều kiện cơ sở vật chất y tế tốt hơn vẫn luôn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, ở những vùng hải đảo xa xôi như quần đảo Trường Sa thì cái khó lại càng nhân lên. Vì thế mà câu chuyện về tàu bệnh viện chuyên dụng để đi khám sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, các cán bộ nhà giàn DK1 và lực lượng tàu trực, hay những người thầy thuốc khoác trên mình “2 màu áo” ở nơi này cũng thật đặc biệt...

“Bệnh viện” trên biển

Hôm chúng tôi gặp Đại tá, bác sĩ Khương Văn Trữ, Phó Chủ nhiệm quân y, Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác Tàu quân y tại đảo Trường Sa Lớn, anh và đoàn đã đi được 20 ngày trên biển và khám được cho 14 nhà giàn, 9 điểm đảo. Hành trình chuyến đi lần này của các anh kéo dài 40 ngày và đi qua 34 điểm đảo.

Các bác sĩ của Tàu bệnh viện HQ 561 đang tiến hành xét nghiệm máu cho các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường

Các bác sĩ của Tàu bệnh viện HQ 561 đang tiến hành xét nghiệm máu cho các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường

Đại tá Trữ cho biết, đây là năm đầu tiên Quân chủng Hải quân sử dụng tàu HQ561 làm tàu bệnh viện chuyên dụng để đi khám sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, các cán bộ nhà giàn DK1 và lực lượng tàu trực... Và theo chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, từ năm 2013, tàu bệnh viện sẽ thực hiện làm thường niên. Mỗi năm tiến hành khám sức khỏe định kỳ 2 lần cho toàn bộ quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Theo đó, năm 2010, quân chủng có tổ chức đi khám 1 lần nhưng bằng tàu nhỏ, trang bị thô sơ và cũng chỉ khám được trên đảo chứ chưa tổ chức khám bệnh tại nhà giàn.

Việc tổ chức tàu bệnh viện đi khám sức khỏe định kỳ, theo Đại tá Trữ, không chỉ với mục đích đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân ở các vùng biển đảo mà quan trọng hơn là tạo niềm tin, tạo sự yên tâm cho họ. “Đảm bảo trong những điều kiện đặc biệt, người dân và bộ đội của ta vẫn luôn được chăm sóc sức khỏe bằng tàu quân y và hệ thống các trạm y tế đã được đầu tư xây dựng trên một số đảo lớn của quần đảo Trường Sa”, Đại tá Trữ nhấn mạnh.

Bởi vậy, mỗi chuyến tàu quân y đều phải thực hiện nhiều chức năng. Ngoài mục đích chính là khám sức khỏe, tàu còn kiêm cấp hàng hậu cần cho các đảo, cấp và sửa chữa trang thiết bị y tế trên các đảo, huấn luyện mổ cho các kíp mổ khi tàu hành trình trên biển...

Chẳng vậy mà công việc của những người thầy thuốc áo trắng đi biển như các anh cũng đa dạng vô cùng. Có khi là một kỹ thuật sửa chữa trang thiết bị y tế trên các đảo với màu áo lính hải quân nhưng có khi lại là người thầy thuốc vật lộn với những ca phẫu thuật, cấp cứu để cứu chữa cho bệnh nhân trên biển. Chẳng thế mà các anh còn được mọi người gọi bằng cái tên: chiến sĩ “2 màu áo”...

Đại tá Trữ cho biết, đoàn công tác có 40 người thì có đến 33 người là cán bộ y tế. Đây đều là các bác sĩ có chuyên môn tốt của Viện Y học Hải quân (Hải Phòng), Bệnh viện 87 Hải quân (Khánh Hòa) và Đội điều trị 486 Vùng 4 Hải quân. “Mỗi chuyến đi như thế này, đoàn mang rất nhiều trọng trách và sứ mệnh. Người đi biển bị nạn nhìn thấy tàu quân y thì như người chết đuối gặp được phao cứu hộ. Bởi vậy, gặp bất cứ trường hợp bị nạn nào trên biển, của bộ đội hay ngư dân, đoàn cũng đều phải cố gắng hết sức để cứu chữa kịp thời cho người bệnh...”, Đại tá Trữ tâm sự.

Các cán bộ chiến sĩ vận chuyển thiết bị y tế bổ sung định kỳ cho đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường

Các cán bộ chiến sĩ vận chuyển thiết bị y tế bổ sung định kỳ cho đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường

Theo anh, ngư dân đánh bắt cá trên biển rất hay gặp tai nạn với nhiều nguyên nhân: bị cá đâm, cá đuối quất, sứa lửa quất, hoặc do ngã tàu xuồng... Đặc biệt, bệnh hay gặp nhất ở những ngư dân đi biển là bệnh giảm áp. Do trang thiết bị lặn còn thô sơ nên khi lặn xuống sâu đánh bắt cá, chế độ giảm áp không đúng tạo thành bệnh giảm áp. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không cứu chữa kịp thời, có thể dẫn đến tử vong hay liệt vĩnh viễn. Thời gian để điều trị kịp thời không để lại di chứng hay biến chứng là 6 hoặc 12 tiếng đầu. Điều này là không thể trong điều kiện đi lại xa xôi như ở Trường Sa.

Chính vì điều đó, đầu năm 2014, trên quần đảo Trường Sa sẽ cấp buồng giảm áp cho đảo Trường Sa Lớn, đảo Song Tử và Nam Yết. Đây sẽ là những tin vui và tạo sự yên tâm cho các ngư dân Việt đang sinh sống và đánh bắt trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

Phòng khám với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường

Phòng khám với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Việt Cường

Và những “bệnh viện nhỏ” trên đảo

Cùng với những đợt khám sức khỏe định kỳ của tàu bệnh viện, thì phải kể đến hệ thống bệnh xá trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Bởi đây là nơi gắn bó mật thiết nhất với đời sống của các chiến sĩ, người dân trên đảo và của ngư dân đi biển.

Trao đổi với Trạm trưởng Trạm Y tế Trường Sa Lớn Lê Minh Phong, anh cho biết, bệnh xá ở đảo có thể tiến hành phẫu thuật đến trung phẫu và tiến hành cấp cứu cơ bản ban đầu để giữ tính mạng cho bệnh nhân, sau đó chuyển về đất liền.

Bác sĩ Phong là cán bộ của Bệnh viện 175 Sài Gòn. Đây là bệnh viện trung ương quân đội ở khu vực phía Nam. Tính đến thời điểm này, Bệnh viện đã đảm nhận công tác y tế Trường Sa được tròn 20 năm. Bác sĩ Phong cũng cho biết, các y, bác sĩ trên quần đảo Trường Sa đều là những bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn tốt và đều phải có bằng sau đại học trở lên mới đủ tiêu chuẩn ra đây công tác.

Bệnh xá Trường Sa Lớn là một trong những bệnh xá hiện đại nhất trong quần đảo Trường Sa. Bệnh xá được cung cấp các trang thiết bị y tế hiện đại với quân số là 3 bác sĩ và 7 y sĩ. Bởi vậy, các bác sĩ ở đây cũng kiêm nhiều nhiệm vụ: khám cho quân và dân trên thị trấn đảo, cấp cứu ngư dân trên vùng biển đảo, chỉ đạo và nhận cấp cứu từ các đảo chìm đến...

Anh Phong cho biết, bệnh nhân vào đây cấp cứu chủ yếu là ngư dân. Do đánh bắt dài ngày trên biển nên việc bị tai nạn là không tránh khỏi. Những trường hợp vào đây cấp cứu thường bị rất nặng, nhiều khi phải tiến hành mổ. Có trường hợp bị lên cơn đau quặn thận, đau ruột thừa... bệnh xá phải quyết định mạo hiểm là mổ khẩn cấp cho họ. “Ngư dân đi biển đều là những lao động chính, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Bởi vậy có chuyện gì xảy ra thì tội cho họ và gia đình lắm. Nên tôi và các đồng nghiệp nhiều khi phải đứng trước sự lựa chọn có hay không liên quan đến tính mạng một con người”, bác sĩ Phong tâm sự.

Anh cũng cho biết, năm nay bệnh xá của Trường Sa Lớn đang được triển khai cấp máy Xquang, máy xét nghiệm máu, buồng giảm áp di động,... Ngoài ra, Bệnh viện 175 Sài Gòn còn triển khai hệ thống Telecom medicin (tivi của ngành y tế) tại đảo. Với hệ thống này, trong những trường hợp mổ khó khăn thì truyền hình ảnh, thông tin về đất liền để nhận chỉ đạo trực tiếp.

Chiến lược y tế biển đảo giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiến đến, đầu năm 2014 bắt đầu triển khai đóng tàu quân y cho Hải quân. Những chiến sĩ Trường Sa “2 màu áo” tận tâm, nhiệt huyết cùng các trang thiết bị y tế cho quần đảo ngày càng được đầu tư nâng cấp, có lẽ là điều làm an lòng nhất những ngư dân, chiến sĩ đang công tác và sinh sống tại quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

Tàu bệnh viện HQ 561 - KH01 bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 1/2013. Tàu có trọng tải trên 2.000 tấn, vận tốc tối đa 16 hải lý/giờ, có thể chịu được sóng cấp 8, cấp 9, gió cấp 9, cấp 10. Toàn bộ khoang C của tàu được thiết kế là một bệnh viện với 3 buồng bệnh, 15 giường. Bệnh viện có đầy đủ các phòng chức năng: nội soi, xét nghiệm, siêu âm, điện tim, hồi sức cấp cứu, Xquang, mổ,... Đặc biệt, tàu bệnh viện được trang bị một buồng giảm áp. Ngoài ra, trên tàu còn được trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến qua vệ tinh, kết nối với Bệnh viện 175 (TP.Hồ Chí Minh) để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Dạ Thảo

 


Ý kiến của bạn