Ðào rừng ngập phố, khách mua ít ỏi

31-01-2013 14:15 | Thời sự
google news

Từ hôm Rằm tháng Chạp tới nay, trên thị trường Hà Nội ngập tràn những cành đào rừng được các thương lái chuyên chở về từ các vùng núi rừng Tây Bắc.

Từ hôm Rằm tháng Chạp tới nay, trên thị trường Hà Nội ngập tràn những cành đào rừng được các thương lái chuyên chở về từ các vùng núi rừng Tây Bắc. So với mọi năm thì năm nay, các thương lái mang đào rừng về xuôi muộn hơn đôi chút, bởi lẽ rút kinh nghiệm thua lỗ khi mang đào về quá sớm, đào héo không bán kịp, phải vứt đi làm… củi nên năm nay, sau ngày rằm, người buôn đào mới rậm rịch chở đào về bày bán. Dạo qua các đường phố vốn vẫn được xem là “kinh đô” của đào rừng dịp  Tết như: đường Hoàng Minh Giám, đường Lê Văn Lương, phố Nguyễn Khánh Toàn, đường Âu Cơ, phố Yên Phụ..., chúng tôi thấy qua mỗi ngày cận Tết, đào rừng lại được các xe ôtô chuyên chở về nhiều hơn. Khi mang đào về tới Hà Nội, những chủ buôn đào “làm luật” với các cơ quan chức năng của địa bàn để bày bán. Các cành đào rừng được tháo dây chằng thả tán ra cắm vào các xô, chậu, ống nhựa chứa nước để đào có sức nuôi nụ, hoa và đặc biệt là không bị nắng gió làm héo.

Ðào rừng ngập phố, khách mua ít ỏi 1
Đào rừng bầy ê hề trên vỉa hè nhưng ít người hỏi mua.

Theo như chủ buôn đào rừng có thâm niên 5 năm nay, anh Lê Văn Tâm (quê Hà Nam) thì ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, anh đã phải cùng vợ đi săn tìm chọn mua đào rừng tại Sơn La. Suốt thời gian nửa tháng nằm vùng trên đó, vợ chồng anh tìm mua được 200 cành. Ngày 16 âm lịch vừa mới đây, vợ chồng anh cắt 100 cành chở về bán trước và đợi đến sau ngày ông Công ông Táo sẽ chở tiếp 100 cành còn lại về bán. Khu vực chính anh Tâm vẫn chở đào rừng về bán là đường Hoàng Minh Giám. Anh Tâm kể: “Năm nay những cành đào rừng chúng tôi chọn mua toàn loại đẹp với nụ hoa sai dóc cành. Đã vậy, các loại dáng, tán lại khá tự nhiên, đa dạng nên khá phù hợp với các loại phòng ốc ở mỗi gia đình mua để trang trí. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay chiều hướng có vẻ chậm chạp quá khi từ hôm mang đào về tới nay đã 2 hôm mà chưa bán được cành nào. Ngay cả khách đến xem cành khảo giá cũng còn thưa vắng huống hồ người mua. Chẳng riêng nhà tôi, mà mấy người bạn chợ quanh đây cũng đâu đã bán được...”.

Chưa thể đoán biết trước được thị trường đào rừng năm nay sẽ đắt hay rẻ, bán chạy hay ế, bởi nó còn phụ thuộc vào mức tiền trong túi của các nhà dân cũng như thời tiết có ủng hộ các nhà vườn trồng hoa đào ở các làng hoa của Hà Nội hay không. Nếu như đào hoa ở các nhà vườn thất mùa thì việc đào rừng đắt giá là rất có thể và cũng là ngược lại nếu như đào vườn trúng mùa…(?!).

Tham khảo qua giá cả của những cành đào rừng năm nay mà các chủ buôn phát giá, chúng tôi thấy nhiều cành to đại, có thể bày biện tại các khách sạn lớn giá được “kêu” tới cả hơn chục triệu. Các loại cành vừa tầm, dài khoảng 3-4 mét, tán khá rộng có mức giá trung bình từ 2-4 triệu đồng. Những cành nho nhỏ, loại nụ cũng dày, đẹp và có thể bày trong các phòng ốc chật hẹp cũng có giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Nói chung là các mức giá mà chủ buôn đào đưa ra chỉ là để tham khảo, bởi người mua có thể chỉ mất khoảng 1,5 triệu đồng để mua được cành đào rừng đẹp trong khi chủ “phát” giá tới 5 triệu đồng…

Chẳng riêng gì khu vực bán đào rừng ở khu đường Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám, ở những nơi như phố Yên Phụ, đường Âu Cơ, đường Nguyễn Khánh Toàn…, đào rừng dựng bạt ngàn ven đường nhưng cũng chẳng mấy ai tạt qua xem và hỏi giá mua. Chị Nguyễn Thị Nga, chủ của một lô gần 100 cành đào rừng loại rất to dựng trên đường Nguyễn Khánh Toàn buồn buồn tâm sự: “Đào về mấy hôm nay nhưng em mới bán được đúng 2 cành với giá 1,5 triệu đồng/cành. Hai cành đó đẹp nhất, nụ, hoa chi chít được một chủ khách sạn tư nhân mua về cắm ở tiền sảnh. Tuy nhiên, nó chẳng lãi là bao bởi mua gốc đã là 600 ngàn đồng/cành, lại còn bao chi phí, công sức chuyên chở từ 300 cây số về đây… Chẳng qua là ế quá nên em bán mở hàng lấy hên mà thôi…”.

Cùng chung cảnh ngộ ế và phải bán mở hàng lấy hên, lấy may như chị Nga, anh Trần Văn Nam, người buôn và bán đào rừng ở khu vực chợ hoa Quảng An kể rằng: “Mọi năm thì qua Rằm là đã có lác đác người mua, thế mà nay đã là sắp ông Táo về trời rồi mà chẳng bán trác gì được mấy. Có lúc ế quá đành phải bán phá giá, nghĩa là bán bằng giá mua trên rừng, khi mua 400 ngàn/cành, lại bán y như vậy, coi như lỗ tiền vận chuyển…”.

Việc đào rừng bày ê hề ở các lề đường phố mà ít khách hỏi mua vào thời điểm Tết đã cận kề thực ra cũng có một phần dễ hiểu do nền kinh tế suy thoái! Vâng, chẳng riêng những người bán đào rừng mà rất nhiều người kinh doanh trong các lĩnh vực khác đều đã, đang khổ sở khi buôn bán quá ế ẩm. Đó là khó khăn chung của toàn xã hội và những người buôn bán đào rừng cũng chỉ biết phó mặc để chờ cơ hội của những ngày cận Tết còn lại xem có vớt vát được sự thành công hay không…(?!)

Bài & ảnh: Ngô Văn Quyết


Ý kiến của bạn