Hiện nay, ít nhất 1 triệu người ở Anh được biết mắc bệnh rung tâm nhĩ, gây nhịp tim bất thường và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 500.000 người khác mắc bệnh nhưng chưa được chẩn đoán vì họ không có triệu chứng rõ ràng. Nguyên nhân gây tình trạng này vẫn chưa được xác định chính xác, mặc dù huyết áp cao, nhiễm trùng ngực, tuyến giáp hoạt động quá mức và sử dụng quá nhiều cà phê hoặc rượu đều được xem là yếu tố thuận lợi khởi phát bệnh. Rung nhĩ xảy ra khi hoạt động điện trong tim bị rối loạn. 1/25 người trên 60 tuổi mắc bệnh này. Các triệu chứng được mô tả bao gồm đau ngực, chóng mặt và mệt mỏi nhưng nhiều bệnh nhân không có triệu chứng nào đáng kể cho đến khi họ bị đột quỵ.
Đo điện tim là biện pháp chẩn đoán rung nhĩ.
Người bệnh rung nhĩ khó phát hiện bệnh
Khi bị rung nhĩ, trái tim không còn đập theo cách thông thường khiến máu bắt đầu ứ lại và đặc lên trong tâm thất trái (buồng bơm chính của tim). Nếu cục máu đông sau đó vỡ ra và đi qua các mạch máu hẹp để nuôi não, nó có thể gây tử vong do đột quỵ khi nguồn cung cấp máu giàu oxy tới não bị ngăn chặn. Hiện nay, các phương pháp điều trị phổ biến cho rung tâm nhĩ bao gồm các loại thuốc, chẳng hạn như warfarin làm loãng máu, ngăn chặn cục máu đông hình thành và máy khử rung tim, sử dụng các điện cực để gây sốc tim, đưa nhịp tim về bình thường. Để chẩn đoán bệnh rung nhĩ, người bệnh phải thực hiện điện tâm đồ (ECG). Biện pháp này thường được thực hiện tại bệnh viện và cần đội ngũ nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng, gắn tới 24 điện cực riêng biệt lên các vùng khác nhau của cơ thể để đo tín hiệu điện. Nhưng hầu hết bệnh nhân chỉ thỉnh thoảng mới có nhịp tim bất thường (một số có thể vài ngày hoặc vài tuần không có) khiến khả năng phát hiện bệnh khi kiểm tra ở bệnh viện rất ít. Một biện pháp khác được thực hiện là đeo máy Holter dưới áo. Đây là một chiếc hộp điện tử có kẹp để đeo vào thắt lưng và được nối với một loạt điện cực gắn vào phần trên của cơ thể. Nhưng chiếc hộp này khá cồng kềnh, khó giấu bên dưới quần áo và có thể không thoải mái do có nhiều sợi dây được gắn vào ngực của bệnh nhân. Kết quả là người bệnh thường bỏ máy, đặc biệt vào ban đêm khi máy có thể gây khó ngủ khiến cơ hội phát hiện nhịp tim bất thường giảm đáng kể. Để khắc phục những nhược điểm của các biện pháp phát hiện bệnh hiện có và giúp nhận biết sớm bệnh, ngăn ngừa đột quỵ, các nhà khoa học Pháp đã sáng chế thành công áo phông công nghệ cao có gắn điện cực kiểm tra hoạt động điện của tim suốt cả ngày lẫn đêm.
Áo phông công nghệ cao hoạt động thế nào?
Áo phông công nghệ cao được gọi là Cardioskin, được làm từ vải bông trắng, có thể là một giải pháp thay thế thuận tiện hơn nhiều và có thể đeo 24 giờ/ngày - có nghĩa là nó có khả năng nhận được bất kỳ nhịp điệu bất thường nào trong tim của bệnh nhân. Áo có gắn 15 điện cực nhỏ được dệt vào vật liệu đặt xung quanh ngực để theo dõi các tín hiệu điện từ tim khi chúng truyền qua thân người. Các điện cực được cấp nguồn bằng pin (có thể tháo ra dễ dàng khi bạn cần giặt áo phông) và gửi vào một bộ vi mạch, sau đó truyền đến ứng dụng. Ứng dụng sẽ chuyển dữ liệu thành một biểu đồ dễ đọc cho thấy nhịp tim có bất thường hay không. Kết quả được chia sẻ với bác sĩ điều trị để họ kiểm tra nhịp tim của bệnh nhân mà không cần phải đến phòng khám. Ngoài rung nhĩ, loại áo này còn có thể phát hiện các vấn đề khác liên quan đến nhịp tim bất thường như ngất xỉu thường xuyên. Áo phông công nghệ cao được phát triển bởi công ty dược Pháp, Servier, đã được phê duyệt để bán tại Anh và dự kiến sẽ có sẵn cho các bác sĩ sử dụng vào cuối năm nay, mặc dù giá vẫn chưa được công bố. Martin Cowie - giáo sư tim mạch tại Imperial College London cho biết, cardioskin có thể là một phát triển quan trọng cho các chuyên gia tim mạch và đây cũng là một giải pháp mới về vấn đề chẩn đoán tim bất thường liên tục và lý giải các tình trạng nghiêm trọng như ngất xỉu hoặc đột quỵ...