Áo ngực có phải là nguyên nhân gây ung thư vú?

12-10-2022 15:03 | Y tế
google news

SKĐS - Mặc áo ngực hoặc phẫu thuật nâng ngực có phải là nguyên nhân gây ung thư vú hay không? Chuyên gia của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai giải thích.

Tại Việt Nam, thống kê của Tổ chức ghi nhận Ung thư toàn cầu (Globocan 2020), ung thư vú là một trong những căn bệnh ung thư thường gặp nhất với 21.555 ca mắc, chiếm tỉ lệ gần 11,8% tổng số ca mắc ung thư, với hơn 9.000 ca tử vong.

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Mai - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở nữ, các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú bao gồm môi trường, thực phẩm ô nhiễm, hút thuốc lá hoặc bệnh nhân chiếu xạ vào vùng ngực hồi trẻ…., chỉ 10-15% bệnh nhân ung thư vú có các yếu tố gia đình, di truyền hoặc đột biến gen.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm, mặc áo ngực hoặc phẫu thuật thẩm mỹ có thể là nguyên nhân gây ung thư vú hay không? 

BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Mai cho biết, thời điểm này chưa có một nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa mặc áo ngực gây ung thư vú cũng như việc phẫu thuật thẩm mỹ có liên quan đến ung thư vú.

Có giả thuyết cho rằng mặc áo ngực loại có gọng có thể hạn chế dòng chảy của chất lỏng bạch huyết ra khỏi vú, gây ra các chất độc hại tích tụ trong mô. 

Nhưng, theo một nghiên cứu trên khoảng 1.500 phụ nữ mắc ung thư vú được công bố trong chuyên san Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention vào năm 2014, không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc mặc áo ngực có gọng và ung thư vú.

Mặc áo ngực có gây ung thư vú? - Ảnh 1.

BS Mai khám tầm soát ung thư vú cho một bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao.

Tuy nhiên BS Mai khuyến cáo việc mặc áo ngực sai kích cỡ cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe người mặc.  Mặc áo ngực quá chật gây khó chịu dễ dẫn đến những căn bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm nang lông do gọng áo hằn sâu vào trong da, gây tăng tiết mồ hôi nhiều hơn, hoặc gây nóng bức, trầy xước da…

Áo ngực quá chật khiến áo bó chặt vào vùng ngực tạo áp lực lên xương sườn và cơ hoành, làm cản trở lưu thông máu ở vòng ngực khiến người mặc cảm thấy khó thở hơn, rối loạn cơ hô hấp.

Chọn sai kích cỡ áo ngực cũng gây ra tình trạng đau lưng, đau đầu, theo một số thống kê cho thấy việc mặc áo ngực quá chật dễ bị đau lưng hơn, dây áo bó quá chặt gây áp lực lên dây thần kinh và lưng làm tổn hại đến hệ tuần hoàn, hạn chế lượng máu lên não. Tạo áp lực lên các cơ bắp, mạch máu xung quanh vai, lưng, xương sườn… dễ dẫn đến đau đầu, chóng mặt, gây đau vai, đau cánh tay do dây áo ngực quá chặt.

Mặc áo ngực sai kích cỡ cũng khiến bầu ngực kém săn chắc hơn, do bầu vú chúng ta chủ yếu là mô mỡ và cơ, nếu mặc áo sai kích cỡ (quá rộng hoặc quá chặt) sẽ khiến cơ ngực kém phát triển hơn.

Điều trị bệnh ung thư vú có hiệu quả cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Trước đây đa số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, tỷ lệ chữa khỏi và kéo dài sự sống thấp. Hiện nay do công tác tuyên truyền tốt, cùng các chương trình thăm khám, sàng lọc cho nữ nên nhiều trường hợp được phát hiện sớm (ở giai đoạn đầu).

Có nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú có thể đạt tới 98-99% ở giai đoạn sớm, ở giai đoạn muộn tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt 10%. 

Do vậy, việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư là việc nên làm và cần thực hiện nếu muốn kiểm soát căn bệnh này. Phát hiện càng sớm thì điều trị càng đơn giản, hiệu quả, đỡ tốn kém về kinh phí, BS Mai khuyến cáo.

Dấu hiệu nhận biết ung thư vú

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Mai - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai), mọi người cần lưu ý một số dấu hiệu dưới đây để thăm khám kịp thời, phòng ngừa ung thư vú:

• Khi sờ phát hiện có khối u ở vú, hoặc vùng nách;

• Vú có sự thay đổi về hình dạng và kích thước;

• Vùng da ở ngực, núm vú hoặc quầng vú xuất hiện vảy, đỏ hoặc sưng;

• Núm vú bị tụt;

• Vùng vú hoặc núm vú xuất hiện đau nhức;

• Có vết lõm ở da hoặc phần da xung quanh vú dày lên;

• Tiết dịch hoặc dịch có lẫn máu ở đầu vú.

Tầm soát ung thư vú thực hiện như thế nào?

- Tự khám vú: Chị em phụ nữ có thể chủ động tiến hành tự khám vú tại nhà hằng tháng, khuyến cáo nên thực hiện sau sạch kinh 5 ngày.

- Khám và tầm soát ung thư vú định kỳ hằng năm tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Đối tượng nên tầm soát ung thư vú

Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú, những người thuộc nhóm đối tượng dưới đây nên lưu ý khám tầm soát từ sớm:

• Các đối tượng có đột biến về gen như BRCA 1 hoặc BRCA 2. Theo thống kê khoảng 10% số ca ung thư vú có yếu tố gen đột biến.

• Có sử dụng các liệu pháp nội tiết tố thay thế.

• Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, đặc biệt là quan hệ thế hệ 1 (mẹ, dì, chị em gái, con gái).

• Từng xạ trị vào vùng vú hoặc vùng ngực.

• Ít tham gia các hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, thừa cân, béo phì.

• Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát hàng năm, với người có tiền sử gia đình mắc bệnh này nên đi khám sớm hơn.

Nên giữ thói quen khám vú tại nhà hằng tháng hoặc khám tầm soát ung thư định kỳ hằng năm và xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để có thể lắng nghe cơ thể mình phát hiện những bất thường từ sớm, thăm khám để được chẩn đoán kịp thời, chính xác nhất.

Phát hiện ung thư phổi di căn khi đi khám đau bả vaiPhát hiện ung thư phổi di căn khi đi khám đau bả vai

SKĐS - Đau nhức bả vai trong thời gian dài, người đàn ông 51 tuổi đi khám bất ngờ phát hiện ung thư phổi đã di căn xương.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn