Ðạo diễn Bùi Như Lai: Chia sẻ với những phận đời cay đắng

09-08-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ðối với đạo diễn Bùi Như Lai, thánh đường sân khấu là sự sống ngồn ngộn hiện thực mà anh cần phải tỏ thái độ.

Ðó là sự chia sẻ, thông cảm hay kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức làm cảm hóa lòng người, để hòa nhập trong mối quan hệ nhân văn sâu sắc.

Bùi Như Lai là một nghệ sĩ đa tài, tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh, anh được tuyển về Nhà hát Tuổi trẻ năm 2002, diễn viên biên chế Đoàn kịch 1. Ngay sau đó đã được trao danh hiệu Tài năng trẻ SK năm 2003 qua vai chính Edip trong vở kịch Êdip làm vua. Đồng thời, anh đã được chọn tham gia khóa học Nâng cao năng lực sáng tạo của con người do Nhà hát David Glass (Anh) phối hợp với Việt Nam tổ chức kéo dài trong 3 năm (2002-2005). Đây là một lớp học nghệ thuật sân khấu đặc biệt, đã làm thay đổi tư duy nghệ thuật trong quá trình hoạt động sau này của Bùi Như Lai. Đó chính là sự tổng hợp giữa học diễn xuất và khả năng quản lý cũng như khai thác những đề tài tiếp cận với cộng đồng xã hội.

Bùi Như Lai như được chắp đôi cánh nghệ thuật sân khấu mới. Nó không còn bị bó hẹp với những ánh sáng màu kinh điển mà nó đời hơn, sống động và có tính khám phá để làm thay đổi nhận thức về những điều cụ thể, gần gũi tưởng như đã quen thuộc với những cảm tính nông nổi. Sau này, khi đi học Khoa Đạo diễn sân khấu (2005-2009) và bảo vệ luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật Sân khấu (2010-2012), Bùi Như Lai vẫn trung thành theo đuổi ý tưởng sân khấu đương đại, tiếp cận cuộc sống của mình. Chính vì thế mà anh đã dành hết tâm trí cho các dự án sân khấu hợp tác với các tổ chức phi chính phủ suốt 10 năm qua.

Đạo diễn Bùi Như Lai

Đạo diễn Bùi Như Lai

Đạo diễn, Thạc sĩ Sân khấu Bùi Như Lai sinh năm 1979, hiện là Trưởng đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Anh đã từng đoạt danh hiệu Tài năng trẻ triển vọng Sân khấu năm 2003; HCV giành cho biên đạo trong Liên hoan SK thể nghiệm quốc tế 2008; HCB cho diễn xuất vai Thầy đồ say trong vở Kiều Loan năm 2009; Vừa qua, anh được trao Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong cuộc thi Đạo diễn trẻ toàn quốc năm 2013.

Sân khấu của Bùi Như Lai hiện lên những nhân vật chịu nhiều nỗi oan trái; cay đắng trong bệnh tật thế kỷ và bị cộng đồng kỳ thị xa lánh. Đó có thể là những người đồng tính hay bị căn bệnh HIV/AID, hoặc bị bạo hành gia đình... Anh kể, khi thực hiện dự án “Đừng đợi đến ngày mai” năm 2011, các nghệ sĩ đã diễn cùng với một người bị HIV để đem lại hiểu quả truyền thông đánh thức trái tim tối ưu nhất. Người diễn viên nghiệp dư này là anh Trần Hoàng, một người bệnh HIV đã 12 năm nhưng đã dũng cảm tuyên ngôn và thể hiện mình; đồng thời cùng là cách kêu gọi cộng đồng xã hội chia sẻ, bỏ đi những kỳ thị về bệnh tật, sẵn sàng đón nhận họ trở về với đời thường. Tồn tại hay không tồn tại?, câu nói của Hamlet ngày nào luôn luôn vang lên trong tâm tưởng Bùi Như Lai với nguyện vọng khẳng định tình nhân ái đối với những thân phận thiệt thòi, nhỏ bé.

Năm 2012, Bùi Như Lai triển khai liền hai kịch bản, một là đề tài về đồng tính và bạo hành gia đình. Riêng vở Hãy là chính mình, một tác phẩm nghệ thuật sân khấu đương đại đề cập tới thân phận của những người đồng tính nữ đã được biểu diễn miễn phí phục vụ cho sinh viên của hàng trăm trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Hãy là chính mình đã có tư tưởng truyền thông sâu sắc, làm xúc động lòng người và đã lấy được nhiều nước mắt của khán giả.

Khi gặp Bùi Như Lai, tôi hỏi về những khó khăn trên con đường nghệ thuật đương đại mà anh đang theo đuổi, anh nói gặp nhiều điều trắc trở khi dàn dựng các vở kịch với những diễn viên nghiệp dư bất đắc dĩ. Anh đã mời cả trăm người phụ nữ đã bị chồng bạo hành gia đình đến thử vai và tham gia vở kịch Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Anh có ý tưởng để chính những người phụ nữ bị bạo hành lên tiếng qua tiếng nói nghệ thuật để lên án và kêu gọi cộng đồng bảo vệ và đòi hỏi sự công bằng trong gia đình, qua đó cũng là những bài học cho những ông chồng chừa thói bạo hành. Tuyển chọn được 16 người phụ nữ bị bạo hành vào vai chính kể chuyện trong kịch bản quả là một cách làm táo bạo.

Sơn Tinh- Thủy Tinh, tác phẩm của đạo diễn Bùi Như Lai

Anh kể, có cô gái đang tập diễn vẫn còn bị chồng tìm đến đánh đập vì dám tố cáo tội lỗi của mình. Nhưng rồi mọi chuyện vượt qua, đạo diễn Bùi Như Lai đã tìm mọi cách bảo vệ “đồng nghiệp” đáng thương của mình. Anh còn nhớ không ít lần đã cùng với 16 người phụ nữ khóc nghẹn ngào trên sân khấu trong lúc tập dượt. Vở diễn có sức sống kỳ lạ và nó đã được biểu diễn tại nhiều địa phương làm chấn động lòng người. Anh còn kể mình đã bị ám ảnh nhiều với những chất liệu sống đau đớn được đưa lên sân khấu. Phải nhiều ngày sau anh mới thoát khỏi sự bứt rứt, nặng nề về những phận đời nỗi đoạn đầy đau khổ trong cuộc sống.

Nhiều đồng nghiệp coi anh là một trong những người khai phá một loại hình kịch đương đại nhưng lại có nét khác biệt bởi anh dùng chính những câu chuyện của người trong cuộc để khám phá và đi đến tận cùng của vấn đề. Tính tương tác được đề cao làm chất liệu nghệ thuật hết sức chân thực và độc đáo. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, ông Trương Nhuận cho biết: “Đạo diễn trẻ Bùi Như Lai muốn truyền đạt sự khát khao được giải phóng khỏi những kìm kẹp, bất công bạo lực và định kiến xã hội đối với những người khiếm khuyết, thiệt thòi hay bệnh tật. Với Bùi Như Lai, quan niệm khi người trong cuộc lên tiếng, đó là khi mọi người cần lắng nghe, bởi trong từng câu chuyện đều ẩn chứa sự thật với bản chất xã hội sâu sắc của nó”.

Đạo diễn Bùi Như Lai còn nhấn mạnh, đó là nguyên tắc nghệ thuật của mình mang tính truyền thông trực tiếp, hình ảnh của nghệ thuật sân khấu tương tác. Người trong cuộc lên sân khấu và sau đó là trao đổi tranh luận đến bản chất hiện thực. Anh còn nhớ có lần sau vở diễn, một khán giả cũng đồng cảnh đau khổ với nhân vật đã phản ứng và đòi hỏi phải thể hiện thân phận của họ đúng hơn nữa. Người này đã bước lên sân khấu và muốn thể hiện mình thật hay hơn. Chính sự tương tác này đã làm nên dấu ấn nghệ thuật mang phong cách Bùi Như Lai

Tồn tại hay không tồn tại?, đó là tiếng than của những thân phận truân chuyên, cay đắng, hay đó cũng là sự tồn tại của một nghệ thuật đương đại và tương tác mà Bùi Như Lai đã khám phá, sáng tạo hơn mười năm qua. Nó đã tồn tại cũng như những số phận thiệt thòi đang dần được tồn tại với sự chia sẻ của cộng đồng. Con đường đi của Bùi Như Lai còn dài và là một tương lai trong nền sân khấu hiện đại. Vượt qua mọi sự cay nghiệt của sân khấu thị trường, nghệ thuật Bùi Như Lai có hàng triệu khán giả của mình ngóng đợi. Âu đó cũng là niềm hạnh phúc vô tận của người nghệ sĩ khi thể hiện được tính công dân chân chính của mình với mọi biến cố của những phận đời khổ đau.

Vương Tâm


Ý kiến của bạn