Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, chiều ngày 21/3, một số ao, đầm như: Đầm Đông, Đầm Trị, Thủy Sứ (cạnh Hồ Tây) đã được rút nước, cạn trơ đáy, giữa đáy ao hồ xuất hiện những rãnh sâu, lộ bùn đất.
Giải thích với phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống về hiện tượng này, ông Nguyễn Danh Thụ - Chủ tịch UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết, khu vực ao, hồ được rút cạn nước để cải tạo, dọn dẹp vệ sinh môi trường để phục vụ cho công tác thí điểm trồng sen Bách Diệp nên mới có hiện tượng nhiều ao, đầm bị cạn trơ đáy.
"Dự kiến các ao hồ sẽ cạn khô từ nay đến hết tháng 3 cho đến khi việc trồng sen hoàn thành. Khi trồng sen xong, chúng tôi sẽ cấp nước trở lại ngay", ông Thụ nói.
Trước đó, UBND quận Tây Hồ phê duyệt đề án phát triển trồng sen Bách Diệp trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây.
Mục đích của đề án nhằm gìn giữ, cung cấp nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất đầu ra của sản phẩm chè sen Quảng An. Thương hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.
Nhằm thực hiện đề án trên, Phòng Kinh tế quận Tây Hồ phối hợp với các đơn vị khảo sát ao, hồ trên địa bàn phường Quảng An, Nhật Tân để chuẩn bị các điều kiện cho việc trồng sen. Trong đó, 4 hồ được thí điểm trồng sen gồm: Thủy Sứ, Đầu Đồng, Ao Sen 1 và Ao Sen 2.
Dự kiến, Lễ hội Sen đầu tiên của Hà Nội sẽ được tổ chức tại quận Tây Hồ vào tháng 6 năm nay. Đây là một trong những điểm khởi đầu cho việc khôi phục nghề trồng sen của thành phố, trong đó có việc khôi phục các hồ sen, làng nghề sen Bách Diệp của quận.
Sen Bách Diệp của Tây Hồ là loại sen có hương thơm đặc trưng, không vùng nào có. Tuy nhiên, hiện nay loại sen đã bị thoái hóa giống do ô nhiễm môi trường, khí hậu, đất đai...